Đường ven biển từ Phú Yên đến Bình Định – "vị ngọt" của tình người

46

Dọc theo đường ven biển dưới chân đèo Cù Mông, từ Phú Yên ra Bình Định, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều các khu resort, và những khung cảnh đẹp hút hồn của dải đất ven biển miền Trung. Nhưng, ngoài những điều đó, con đường này cũng mang lại cho bạn những chốn dạt dào tình người, những khung cảnh bình yên giữa con đường tấp nập.

Làng chài Xuân Hải – hương của biển cả, vị của tình người

Mảnh đất Xứ Nẫu trù phú về cảnh sắc thiên nhiên, đã làm lưu luyến bao người ghé thăm. Tới khi đã chuẩn bị đặt chân vào đất Bình Định, Xứ Nẫu vẫn biết cách để gây thương nhớ cho những vị khách của mình với cảnh sắc của một làng chài vô cùng yên bình – làng chài Xuân Hải, nơi được mệnh danh là ngôi làng thuyền thúng đẹp nhất Việt Nam.

Sẽ không nhiều người để ý đến làng chài khi di chuyển từ Phú Yên ra Bình Định theo đường ven biển (quốc lộ 1D), bởi lẽ Xuân Hải nằm lọt thỏm ngay điểm giao giữa bãi biển siêu dài và chân đèo Cù Mông. Khi di chuyển đến cuối địa phận Sông Cầu, bắt đầu lên chân đèo, nhìn ra phía biển, bạn sẽ bắt gặp một bức tranh đẹp, bình dị, kết nối hài hoà giữa thiên nhiên và con người.

Làng chài Xuân Hải nhìn từ chân đèo

Làng chài Xuân Hải nhìn từ chân đèo

Nhìn từ chân đèo, làng chài có địa thế vô cùng đắc địa với lưng tựa núi, mặt hướng biển. Với địa thế trời ban đó, từ bao đời nay, người dân nơi đây luôn dựa vào biển để sinh sống, gắn bó với biển và coi đại dương là ngôi nhà thứ hai của mình.

Thời điểm ghé thăm làng biển ắt hẳn phải là khoảng thời gian sáng sớm, khi những con thuyền dồn dập quay về sau một đêm miệt mài đánh bắt với thuyền đầy ắp hải sản. Đây cũng là thời gian nhộn nhịp nhất (nhưng không xô bồ) của làng chài. Tiếng í ới của trẻ con, tiếng gọi nhau hối hả của các chị em phụ nữ chuyển hải sản lên bờ bán cho kịp giờ, để đảm bảo hải sản tươi ngon và được giá, tương phản với bãi biển dài nằm yên ả bên những con sóng dịu nhẹ buổi sáng.

cung đường biển Phú Yên
Sáng sớm nhộn nhịp, hối hả trên biển Xuân Hải

Sáng sớm nhộn nhịp, hối hả trên biển Xuân Hải

Nhắc tới dải cát dọc bờ biển ở Xuân Hải là nhắc tới một vẻ đẹp hút hồn, làm say đắm bất kỳ ai khi chiêm ngưỡng. Dải cát dài, mượt mà, uốn cong hình bán nguyệt tựa dải lụa kéo dài hun hút tận chân trời, xen lẫn là những ngôi nhà nép mình dưới những rặng dừa cao vút. Tất cả hoà quyện vào nhau, tạo nên một vẻ đẹp rất dung dị và gần gũi.

Và nhắc tới Xuân Hải là không thể không nhắc tới những chiếc thuyền thúng. Từ lâu, những chiếc thuyền thúng đã trở thành “người bạn trị kỷ” của người Xuân Hải. Họ được biển cả nuôi dưỡng, lênh đênh trên mặt biển rộng, thả lưới giăng câu cùng những chiếc thuyền thúng, là phương tiện đánh bắt không thể thiếu của người dân làng chài. Vào sáng sớm, khi những chiếc thuyền thúng đầy ắp hải sản trở về sau một đêm đánh bắt vất vả, cũng là lúc chúng được nghỉ ngơi cùng chủ nhân. Khung cảnh nghỉ ngơi bình yên mỗi sớm mai với đầy ắp niềm vui rạng ngời trên khuôn mặt của ngư dân, sẽ là hình ảnh đẹp khắc sâu trong tâm trí của những người lữ khách khi tới với mảnh đất bình yên này.

go and share cung đường biển Phú Yên
Giây phút “nghỉ ngơi”

Giây phút “nghỉ ngơi”

Không cần lộng lẫy hay kiêu sa, làng chài Xuân Hải đi vào tâm thức của lữ khách một cách tự nhiên như thế đó.

Ghềnh Ráng – Về với tình người và những áng thơ tình lãng mạn

Tiếp tục di chuyển theo hướng Bắc để tới Quy Nhơn, con đường quốc lộ 1D sẽ dẫn bạn đến với Ghềnh Ráng, nơi đã quá nổi tiếng của Quy Nhơn về phong cảnh hay lịch sử của nó.

Ghềnh Ráng từ lâu đã được biết đến như một thắng cảnh nổi tiếng bậc nhất của Bình Định nhờ quần thể danh thắng với bãi biển trải dài, cát vàng và làn nước trong xanh hoà lẫn với những ngọn núi nhấp nhô. Tất cả tạo nên một bức tranh thuỷ mặc hữu tình và thơ mộng. Về với Ghềnh Ráng, có dịp hoà mình vào thiên nhiên và thấm thía từng vần thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Đó có lẽ là điều mà rất nhiều người yêu thơ Hàn mong muốn được trải nghiệm.

View toàn cảnh “mặt tiền” Quy Nhơn từ Ghềnh Ráng

View toàn cảnh “mặt tiền” Quy Nhơn từ Ghềnh Ráng

Không chỉ nổi tiếng với những địa điểm như Bãi Đá Trứng (hay còn gọi là Bãi tắm Hoàng Hậu, nơi dành riêng cho Nam Phương Hoàng Hậu khi về đây nghỉ mát tắm biển nên còn gọi là bãi tắm Hoàng Hậu), bãi tắm Tiên Sa hay các địa điểm khác. Ghềnh Ráng còn “cung cấp” view toàn cảnh Quy Nhơn từ trên cao từ Núi Đức Mẹ Quy Hoà, góc nhìn cả “mặt tiền” hướng biển của Quy Nhơn với bãi biển đẹp thơ mộng, dịu dàng và cả nơi an nghỉ của thi sĩ Hàn Mặc Tử – người mở đầu cho trào lưu văn học lãng mạn hiện đại.

Bãi Đá Trứng

Bãi Đá Trứng

Nơi an nghỉ của thi nhân Hàn Mặc Tử có hai địa điểm, đều ở cùng Ghềnh Ráng, là nơi nguyên táng và cải táng. Hàn Mặc Tử, tên thật là Nguyễn Trọng Trí, trút hơi thở cuối cùng vào ngày 11/11/1940. Và được an tang cùng ngày tại chân núi Quy Hòa. 19 năm sau, ngày 13/2/1959, mộ nhà thơ được cải táng ra Ghềnh Ráng, đặt trên đồi Thi Nhân. Khu mộ nằm giữa khuôn viên bốn bề tĩnh lặng, cây xanh thoáng mát.

Nơi cải táng của thi sĩ Hàn Mặc Tử tại Ghềnh Ráng

Nơi cải táng của thi sĩ Hàn Mặc Tử tại Ghềnh Ráng

Năm 1991, trên nền mộ cũ, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh và một số người yêu thơ Hàn Mặc Tử đã xây dựng đài tưởng niệm để tưởng nhớ ông. Ðài cao khoảng 5m, thể hiện những điểm đặc trưng nhất của Hàn Mặc Tử với hình ảnh bút nghiên, cây thánh giá và cuốn sách lật ngửa, như cuộc đời và sự nghiệp còn dang dở của ông.

Nơi Nguyên táng của Hàn Mặc Tử tại thung lũng Quy Hoà (thuộc Ghềnh Ráng)

Nơi Nguyên táng của Hàn Mặc Tử tại thung lũng Quy Hoà (thuộc Ghềnh Ráng)

Nơi nguyên táng nằm cạnh khu an nghỉ của các soeur dòng Phan sinh Thừa sai Đức Mẹ, là những người tham gia vào việc gầy dựng trại phong, chăm sóc và phục vụ những bệnh nhân phong. Hầu hết mọi người khi tới đây đều chung một cảm nhận, yên tĩnh và bình yên. Không khí ở đây rất trong lành, cây xanh khắp nơi. Phía bãi biển có vườn tượng danh nhân y học và công viên nhân ái với gần 40 tượng danh nhân y học, từ Hipocrate đến Hải Thượng Lãn Ông và cả các danh y hiện đại, nơi bạn có thể nghỉ chân, biết thêm về các danh nhân y học và nghe tiếng rì rào của sóng biển.

Từ Quy Hoà, có thể ngắm nhìn toàn cảnh Quy Nhơn từ xa

Từ Quy Hoà, có thể ngắm nhìn toàn cảnh Quy Nhơn từ xa

Đài Đức Mẹ tại Quy Hoà, nằm cạnh biển và cách không xa nơi nguyên táng Hàn Mặc Tử

Đài Đức Mẹ tại Quy Hoà, nằm cạnh biển và cách không xa nơi nguyên táng Hàn Mặc Tử

Thung lũng Quy Hoà là nơi chất chứa rất nhiều điều về Hàn Mặc Tử. Bởi nơi đây, ngoài là nơi an nghỉ đầu tiên của Hàn Mặc Tử còn có cả trại phong Quy Hoà, dòng Phan sinh Thừa sai Đức Mẹ phục vụ tại trại phong Quy Hoà và nhà lưu niệm Hàn Mặc Tử, trước đây là nơi sống những ngày cuối đời của nhà thơ.

Trại phong Quy Hòa, nay là bệnh viện Da liễu Trung ương Quy Hoà – cơ sở 2, được thành lập năm 1929. Từ đó đến nay, các nữ tu dòng Phan Sinh Thừa Sai Ðức Mẹ (Franciscan Missionaries of Mary) vẫn tận tâm chăm sóc bệnh nhân phong, trong số đó có thi sĩ tài hoa Hàn Mặc Tử.

Dòng Phan Sinh Thừa Sai Ðức Mẹ tại Quy Hoà

Dòng Phan Sinh Thừa Sai Ðức Mẹ tại Quy Hoà

Thi sĩ Hàn Mặc Tử đã điều trị bệnh phong vào những ngày cuối đời và qua đời tại trại phong Quy Hoà khi mới 28 tuổi. Ngày nay, Căn phòng ông ở đã trở thành nhà lưu niệm để tưởng nhớ ông. Vật dụng trong căn phòng vẫn được giữ nguyên, từ giường nhỏ, manh chiếu, bàn ghế, tranh ảnh, đến bút tích… của nhà thơ.

Đường vào nhà lưu niệm Hàn Mặc Tử và nhà thờ Quy Hoà

Đường vào nhà lưu niệm Hàn Mặc Tử và nhà thờ Quy Hoà

Căn phòng thi sĩ Hàn Mặc Tử ở tại Quy Hoà những ngày cuối đời

Giàn hoa giấy thơ mộng trước nhà lưu niệm

Ngay cạnh nhà lưu niệm là nhà thờ giáo xứ Quy Hoà. Giáo xứ Quy Hoà được thành lập năm 1904, còn ngôi thánh đường hiện tại có từ năm 1936, được xây dựng để thay thế cho ngôi nhà thờ cũ đã bị bão đánh sập năm 1933. Trận bão năm đó, không chỉ nhà thờ bị sập, mà tất cả nhà cửa của người dân và trại phong cũng chịu chung số phận. Nhà thờ có chiều dài 36m, chiều rộng 16m, tháp cao 22m là nỗ lực rất lớn của tất cả người dân nơi đây và của những ân nhân xa gần. Ngôi thánh đường này gắn liền với lịch sử thung lũng Quy Hoà, giáo xứ Quy Hoà và đặc biệt trại phong Quy Hoà.

Nhà thờ giáo xứ Quy Hoà

Nhà thờ giáo xứ Quy Hoà

Thung lũng Quy Hoà nói riêng và Ghềnh Ráng nói chung là nơi mà có lẽ bất kỳ ai yêu mến thơ của Hàn Mặc Tử đều muốn ghé thăm một lần. Đến đây, không chỉ để thưởng ngoạn vẻ đẹp danh thắng, mà còn để về miền ký ức của một nhà thơ tài hoa và để cảm nhận tình người ấm áp nơi mảnh đất bình dị này.

Con đường từ làng chài Xuân Hải ra Ghềnh Ráng chỉ khoảng 12km nhưng thiên nhiên và con người nơi đây vẫn rất biết cách “chiêu đãi” cho những lữ khách của mình đầy đủ hương sắc của biển cả, núi đồi và “vị” của tình người. Đến đây và dừng chân, chậm lại một chút, bạn sẽ có những giây phút lắng đọng, thảnh thơi và thêm “gia vị” cho hành trình của mình.