Kumamoto – Quê hương của chú gấu đen má đỏ Kumamon

40

Văn hóa kawaii Nhật Bản có lẽ không còn là chủ đề xa lạ khi nhắc đến xứ sở hoa anh đào. Kawaii trong tiếng Nhật có nghĩa là dễ thương, đáng yêu. Khi tiếp xúc nhiều hơn với nền văn hóa, mình được nghe câu này như một câu cửa miệng của các bạn trẻ Nhật. Từ kawaii là một từ đa dụng, dùng được cho rất nhiều trường hợp. Ví dụ như khi bắt gặp một vật gì đó nhỏ nhắn, màu mè; đôi khi đó là những món đồ kích thước lớn, màu trầm;… tất cả mọi thứ trên đời chắc chắn đều có thể được khen là kawaii nếu như bạn không thể nghĩ ra từ nào khác. Một trong những biểu hiện tiêu biểu nhất của văn hóa kawaii này chính là chú gấu đen má đỏ, thường được người Nhật gọi với tên thân thương là Kumamon. Trong bài viết lần này, hãy cùng theo chân mình tìm hiểu về quê hương của chú gấu Kumamon này nhé.

Gấu Kumamon

Khi du lịch đến Nhật Bản, chắc hẳn mọi người sẽ không quá bất ngờ với việc những nhân vật anime hay tranh ảnh về Yuru Kyara (ゆるキャラ) có mặt ở khắp các con hẻm ngóc ngách. Những nhân vật anime như thì có lẽ mọi người sẽ quen thuộc hơn, vậy bạn đã bao giờ nghe đến cái tên Yuru Kyara chưa? Hello kitty chính là ví dụ điển hình về một Yuru Kyara. Yuru Kyara là kiểu nhân vật ngộ nghĩnh, dễ thương, đáng yêu được sáng tạo ra để trở thành Mascot – linh vật đại diện của một tỉnh thành, hoặc có thể là một tổ chức, cá nhân nào đó. Mascot được tạo ra nhằm đẩy mạnh công việc tuyên truyền, quảng cáo ví dụ như thu hút du lịch hay giúp tạo ấn tượng gần gũi để thúc đẩy độ nhận diện thương hiệu.

Yuru Kyara đã trở thành văn hóa Mascot riêng của người Nhật. Mặc dù Mascot là sản phẩm văn hóa có nguồn gốc từ Phương Tây, nhưng khi du nhập vào Nhật bản, văn hóa này đã được ‘thay hình đổi dạng” khá nhiều và trở thành một đặc trưng riêng của Nhật Bản. Văn hóa kawaii đáng yêu của người Nhật có lẽ chính là lý do khiến do văn hóa Mascot có sự khác biệt lớn đến vậy khi đến nơi đây.

Kumamoto

Ngay khi đáp xuống sân bay mình đã bắt gặp rất nhiều mô hình những chú gấu Kumamon với chiếc miệng cười mỉm cực kỳ cute như muốn gửi lời chào welcome tới tất cả khách thăm quan.

Kumamon có mặt ở trung tâm của mọi bức hình quảng cáo.

Kumamon có mặt ở trung tâm của mọi bức hình quảng cáo.

Chú gấu Kumamon chính là linh vật của tỉnh Kumamoto, chú gấu đen với thân hình nục nịch với đôi má đỏ ra mắt công chúng lần đầu tiên vào năm 2010 trong chiến dịch thu hút khách du lịch, mừng sự kiện tuyến tàu Kyushu Shinkansen khánh thành. Mặc dù hệ thống tàu Shinkansen đã có mặt tại tỉnh Fukuoka (thành phố phát triển nhất vùng Kyushu) vào năm 1985, nhưng đến tận gần 37 năm sau, Kumamoto (tiếp giáp Kumamoto) mới được khai thác tuyến Shinkansen nối liền với các thành phố lớn như Osaka và Tokyo. Sự kiện trọng đại chính là cơ hội tuyệt vời để tỉnh Kumamoto phát triển kinh doanh cũng như quảng bá du lịch.

Bánh Kumamoto

Mì pasta và mì soumen gấu Kumamon, bạn đã thử chưa?

Sản phẩm hình Kumamoto

Trong siêu thị nào cũng có những quầy riêng chỉ bán những sản phẩm có in hình Kumamon.

Ngay sau khi ra mắt, chú gấu Kumamon đã được rất nhiều người mến mộ và sau đó không lâu đã ẵm danh hiệu “vua của các linh vật” tại Nhật Bản. Kể từ khi đạt được vị thế này cho đến tận ngày nay, Kumamon vẫn giữ luôn giữ vị trí số một trong lòng người hâm mộ Nhật Bản mà còn cả những người mến mộ quốc tế.

Chú gấu Kumamon và khay bánh thơm phức mới ra lò

Chú gấu Kumamon và khay bánh thơm phức mới ra lò của một tiệm bánh bất kỳ trên đường.

Dù sinh ra tại vùng đất không có gấu hoang dã sinh sống, nhưng chú gấu Kumamon lại trở thành linh vật đại diện cho tỉnh Kumamoto (熊本) bởi có chữ “熊 – Kuma (gấu) trong tên. Còn chữ “Mon” trong tiếng địa phương của Kumamoto có nghĩa là “Mono – 者 – Người/ vật”.

Kumamoto Castle

Nhắc đến tỉnh Kumamoto, sẽ thật thiếu sót nếu không dành thời gian khám phá lâu đài Kumamoto, một trong hai biểu tượng tiêu biểu của tỉnh bên cạnh chú gấu Kumamon. Trong quá khứ, nơi đây được coi là một trong ba lâu đài quan trọng của Nhật Bản, được xây dựng vào năm 1607 bởi Kato Kiyomasa và kể từ đó đã trải qua nhiều lần tái thiết và cải tạo. Mặc dù bị hư hại trong Cuộc nổi dậy của gia tộc Satsuma vào năm 1877, lâu đài vẫn được bảo tồn khá tốt. Lâu đài Kumamoto không chỉ là biểu tượng của lịch sử của Nhật Bản mà còn là minh chứng cho sự kiên cường, dũng cảm của người dân trong vùng. Mặc dù đã trải qua biết bao thăng trầm trong dòng chảy lịch sử, lâu đài Kumamoto vẫn đứng vững trước thách thức thời gian và tiếp tục là niềm tự hào của người dân tỉnh.

(Vé tham quan 3 địa điểm)

Tất cả các ngày trong tuần, từ 9:00 ~ 16:30

Bánh Kumamoto

Bánh Kumamon được bày bán rất nhiều ở khu phố ẩm thực ngay bên cạnh lâu đài Kumamoto. Vỏ bánh mềm và ẩm hơn so với với bánh cá Taiyaki, tuy nhiên phần bột bánh và phần nhân bên trong thì khá giống nhau. Có nhiều lựa chọn nhân bánh như nhân trà xanh, đậu đỏ, phô mai,…

Lịch sử lâu đài

Lâu đài Kumamoto được xây dựng bởi vị lãnh chúa Kato Kiyomasa (1562-1611), một daimyo đến từ vùng Owari (nay thuộc tỉnh Aichi). Nhiều người cho rằng mẫu thân của vị lãnh chúa này chính là em họ với mẫu thân của Toyotomi Hideyoshi, một trong ba người có công lao to lớn trong việc thống nhất Nhật Bản vào cuối thế kỷ 16. Sau khi Kato đến vùng Higo (vùng đất rộng lớn bao gồm tỉnh Kumamoto ngày nay), ông đã cho triển khai các dự án bảo tồn rừng, phòng chống thiên tai lũ lụt và đạt được những thành tựu to lớn. Thông qua việc buôn bán trao đổi với Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha trong thế kỷ 16 và 17, ông đã đem lại sự giàu có cho vùng khiến người dân vô cùng yêu mến và trìu mến gọi ông với cái tên là "Seikosho-san".

Việc xây dựng lâu đài mất đến bảy năm và sau khi hoàn thành, lâu đài sở hữu 49 tháp pháo, 18 cổng tháp pháo và một số tòa nhà nhỏ. Lâu đài được thiết kế để trở thành một pháo đài đáng gờm, tuy nhiên vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong suốt lịch sử. Trong cuộc nổi dậy Satsuma năm 1877, lâu đài đã bị Quân đội Đế quốc Nhật Bản bao vây. Những người bảo vệ lâu đài, dẫn đầu bởi samurai nổi tiếng Saigo Takamori, người đã chiến đấu anh dũng nhưng cuối cùng lại bị đánh bại. Lâu đài bị hư hại nặng nề trong trận chiến và nhiều tòa nhà đã bị phá hủy. Sau trận chiến, lâu đài được khôi phục một phần và mở cửa cho công chúng tham quan như một bảo tàng.

Kiến trúc lâu đài

Lâu đài Kumamoto có kiến trúc đặc biệt nơi đây sở hữu cả Daitenshu (tháp chính) cũng như Shotenshu (tháp nhỏ). Tháp chính của lâu đài ngày nay là một công trình đã được xây dựng lại. Lâu đài có vị trí nằm trên đỉnh đồi, được xây dựng trên nền đá nghiêng khá dốc nhằm mục đích phòng thủ.

Lâu đài Kumamoto

Tháp chính và tháp nhỏ của lâu đài Kumamoto được nối liền với nhau bởi một dãy hành lang.

Trong thời kỳ Edo, bên trong tháp chính của lâu đài có cất giữ nhiều loại vũ khí, vì vậy có một vài căn phòng ngày nay được đặt tên theo những loại vũ khí này, ví dụ như phòng súng, phòng áo giáp và phòng mũi tên. Phía trên bức tường đá của tòa tháp nhỏ có những chiếc gai sắt gọi là shinobi-gaeshi, được dùng để ngăn chặn kẻ thù, cùng với nhiều loại bẫy được đặt ở những nơi kín đáo.

Tháp chính của lâu đài là một tòa nhà năm tầng có tầng hầm và tầng quan sát trên sân thượng. Ở trên tầng cao nhất của lâu đài có những ô cửa kính trong suốt giúp du khách có thể ngắm trọn vẹn toàn bộ khung cảnh thành phố Kumamoto cũng như dãy núi Aso phía xa. Mặt ngoài của tháp được phủ bằng lớp thạch cao màu trắng và trang trí điểm xuyết bằng các chi tiết sơn đen. Bên trong tháp có một cột trụ trung tâm đỡ mái và bốn tầng. Mỗi tầng của tòa tháp có trưng bày chủ đề và hiện vật khác nhau liên quan đến lịch sử và văn hóa của lâu đài.

Lâu đài Kumamoto

Các bức tường của lâu đài được làm bằng đá lớn và có nơi cao tới 30 mét. Các bức tường được thiết kế để chịu được động đất và các thảm họa thiên nhiên khác.

Lâu đài đang trải qua một dự án tái thiết lớn sau khi bị hư hại nghiêm trọng bởi trận động đất Kumamoto vào năm 2016. Dự án tái thiết bắt đầu vào năm 2019 và dự kiến mất khoảng 20 năm để hoàn thành, nhằm mục đích khôi phục lâu đài về thiết kế ban đầu đồng thời kết hợp các yếu tố kỹ thuật và vật liệu xây dựng hiện đại. Ngày nay, khi tới nơi đây thăm quan, bạn cũng sẽ dễ dàng bắt gặp những khung cảnh vật liệu đá tảng ngổn ngang dưới chân các bức tường thành.

Sự kiện Mizu Akari

Cứ vào tuần đầu tiên của tháng 10 hàng năm, xung quanh lâu đài Kumamoto sẽ diễn ra sự kiện Mizu Akari. Những vật trang trí được sử dụng trong dịp này bao gồm: ống tre, nến. Trong hai đêm mùa thu, các khu vực xung quanh Lâu đài Kumamoto được thắp sáng với khoảng 54.000 ngọn nến. Cái tên Mizu Akari có thể được dịch một cách thơ mộng là “sự phản chiếu lay lắt của ánh sáng trên dòng nước tối”.

Con hào

Con hào cũng là một chi tiết quan trọng trong kiến trúc của lâu đài. Con hào và các bức tường của lâu đài đã tạo nên tăng thêm vẻ đẹp thẩm mỹ đầy chất thơ của lâu đài. Vào ngày lễ hội này, khoảng 5.000 chiếc “đèn ống tre” có chứa nến trôi nổi trên sông tạo nên một vẻ đẹp lộng lẫy, huyền bí trong khung cảnh trời đêm thu ở Kumamoto.

Tỉnh Kumamoto không chỉ có vua của các linh vật là chú gấu Kumamon đáng yêu, ngộ nghĩnh mà còn rất nhiều những vẻ đẹp thơ mộng đợi chờ các bạn đến khám phá!

Những bức tranh trang trí đèn lồng

Những bức tranh trang trí đèn lồng không chỉ là tác phẩm của những họa sĩ lành nghề mà còn là tác phẩm mĩ thuật của những em học sinh tiểu học, trung học.

Khi trời ngả dần, những nhân viên tình nguyện sẽ đi thắp nến cho từng chiếc đèn lồng một.

Khi trời ngả dần, những nhân viên tình nguyện sẽ đi thắp nến cho từng chiếc đèn lồng một.

Sau khi được sử dụng trong sự kiện này, “tre” được tái sử dụng làm than tre, phân trộn hoặc dăm tre như một phần của việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả và thân thiện với môi trường. Những “ngọn nến” được làm từ sáp trắng chiết xuất từ ​​quả của cây sáp 250 năm tuổi ở thành phố Minamata, tỉnh Kumamoto, nơi tự hào là nơi sản xuất nến lớn nhất Nhật Bản.

Toàn bộ đèn điện xung quanh lâu đài sẽ được tắt

Toàn bộ đèn điện xung quanh lâu đài sẽ được tắt trong sự kiện. Nguồn ánh sáng chỉ đến từ những chiếc đèn lồng giấy nến đặt trên mặt đất cùng với ánh sáng dìu dịu của ngày trăng tròn.

Mặc dù thành phố Kumamoto chưa được biết đến rộng rãi đối với du khách nước ngoài nói chung và khách du lịch người Việt nói riêng, nhưng qua bài viết lần này, mình hi vọng sẽ có nhiều người Việt ấp ủ hi vọng được đến đặt chân đến thành phố xinh đẹp này.