Đi gác kèo ong ở rừng tràm U Minh Hạ, Cà Mau

42

Vào một ngày mùa hè nắng chói chang, mình tìm về Vườn Quốc gia U Minh Hạ nằm ở huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời, nơi đất mũi Cà Mau. Với diện tích trên 8.000 ha, U Minh Hạ là một trong 3 vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, có hệ sinh thái đa dạng và động thực vật phong phú.

Rừng tràm U Minh Hạ ở đất mũi Cà Mau, điểm cực nam của Tổ quốc

Rừng tràm U Minh Hạ ở đất mũi Cà Mau, điểm cực nam của Tổ quốc

Đặc biệt, những khu rừng tràm trong Vườn Quốc gia U Minh Hạ thu hút ong về làm tổ quanh năm, tạo nên món đặc sản mật ong hoa tràm nổi tiếng. Nhưng thay vì ăn mật ong đóng chai, mình đã đi gác kèo ong ở rừng U Minh Hạ cùng thợ ong vào rừng để lấy mật, ăn ong trực tiếp.

Di chuyển đến Vườn Quốc gia U Minh Hạ

Mình may mắn đi vào đúng thời điểm một số hãng bay đã mở tuyến bay thẳng từ Hà Nội vào Cà Mau, thời gian bay chỉ mất khoảng 2 tiếng. Bạn có thể tìm kiếm vé máy bay của các hãng Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Air với giá hơn 2 triệu một vé trên trang So Sánh Tour.

Đến Cà Mau đoàn mình thuê xe khách đến Vườn Quốc gia U Minh Hạ. U Minh Hạ cách trung tâm thành phố Cà Mau khoảng 40 km. Đường đi đẹp, bằng phẳng nhưng có một số đoạn đường bị hẹp và có gác chắn độ cao, xe khách phải đi đường khác. Do vậy các bạn nên thuê xe máy hoặc taxi thì hợp lý hơn nhé.

Hiện đã có chuyến bay thẳng từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) đến sân bay Cà Mau.

Hiện đã có chuyến bay thẳng từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) đến sân bay Cà Mau.

Nếu đi từ TP HCM, bạn có thể đi xe khách hoặc tự lái xe. Xe khách thường xuất phát từ buổi tối và dừng ở trung tâm thành phố Cà Mau. Giá vé tuyến TP HCM – Cà Mau dao động khoảng 200.000 – 300.000 đồng một chiều. Các bạn nên tìm hiểu về các nhà xe và giá vé tùy thời điểm trước khi đặt.

Nếu lái ôtô từ TP HCM đến Cà Mau, bạn đi theo hướng QL1A và Quản Lộ – Phụng Hiệp, mất khoảng tầm 7 – 8 tiếng cho quãng đường khoảng 300 km tùy tốc độ lái và thời gian nghỉ ngơi.

Tìm hiểu về nghề “gác kèo ong” ở rừng U Minh Hạ

Giữa tháng 11 âm lịch, trước khi những cơn mưa muộn cuối mùa trút xuống, người thợ ong sẽ đi vào rừng tìm chỗ gác kèo để “xây nhà”, đón hướng ong về làm tổ. Kèo gác là một nhánh cây tràm dài khoảng 2 – 3 mét, được dựng ở nơi kín đáo, tránh hướng gió để không ảnh hưởng đến tổ ong nhưng vẫn phải có đủ ánh nắng mặt trời.

Đến khoảng tháng 3, tháng 4 âm lịch, những chùm hoa tràm nhỏ nhắn màu trắng bạc lác đác trổ bông trên ngọn cây. Hương hoa thơm dìu dịu theo gió bay đi, kéo từng đàn ong rừng về hút mật, làm tổ.

Tổ ong hoa tràm trong rừng U Minh Hạ

Tổ ong hoa tràm trong rừng U Minh Hạ

Chỉ sau khoảng nửa tháng ong làm tổ đã có thể thu hoạch mật ong lần đầu tiên, người địa phương thường gọi là đi “ăn ong”. Một tổ ong một năm thu hoạch được 6 lần, mỗi lần từ 3 – 4 lít mật. Mật ong thu hoạch từ mùa này (mùa nắng) được xem là thứ mật tốt và giá trị nhất.

Gác kèo ong ở rừng U Minh Hạ cùng người dân bản địa

Đến nhà hàng Hương Tràm của ông Hon ở xã Khánh An, huyện U Minh để nghỉ trưa và thưởng thức các món đặc sản tại đây như lẩu mắm, cá lóc nướng trui, mình được gợi ý ăn thử “pizza ong”.

Ông Hon mang ra một chiếc bánh hình tròn giống như bánh tráng nướng, được chia làm các phần theo hình tam giác như pizza. Và giống với tên gọi, nguyên liệu chính của món là nhộng ong được lấy từ rừng U Minh Hạ.

Pizza ong làm từ nhộng ong rừng U Minh Hạ

Pizza ong làm từ nhộng ong rừng U Minh Hạ

Mình chưa từng ăn thử các món liên quan đến côn trùng nên ban đầu có hơi e ngại. Nhưng đến tận U Minh Hạ mà không ăn hết các món đặc sản thì thấy có lỗi với cái dạ dày của mình quá, nên mình nhắm mắt ăn thử.

Âm thanh rộp rộp trong khoang miệng, vị giòn tan, béo ngậy của nhộng ong ngon bất ngờ và không hề ghê như mình tưởng tượng trước đó. Hương vị này khác hẳn với vẻ ngoài có chút xấu xí với những chiếc nhộng ong lộn xộn trên bề mặt.

Chỉ ăn thôi là không đủ, vài người đoàn mình đánh liều xin đi cùng ông Hon vào rừng để xem con ong rừng U Minh Hạ khác gì với ong thường. Ông Hon nhắc nhở trước là “chúng hiền nhưng vẫn đốt” làm mình vừa sợ vừa phấn khích. Vậy là 2h chiều, sau khi nghỉ ngơi, chúng mình lên một chiếc vỏ lãi do ông Hon lái để đi lấy mật cùng thợ “gác kèo ong” ở rừng U Minh Hạ.

Vỏ lãi hay còn gọi là tắc ráng là một loại thuyền máy nhỏ, dài hình thoi, gắn thêm máy ở đuôi. Đây là phương tiện di chuyển phổ biến ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ và vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là vào mùa nước nổi.

Vỏ lãi là phương tiện đường sông ở U Minh Hạ

Vỏ lãi là phương tiện đường sông ở U Minh Hạ

Chiếc vỏ lãi dừng lại ở ven bờ, trước một lối mòn nhỏ dẫn vào khu rừng tràm. Chúng mình được phát cho mỗi người một chiếc lưới trùm đầu, riêng anh thợ cầm thêm đuốc con cúi bằng xơ dừa, thùng nhựa và dao cắt mật tiến vào nơi gác kèo ong.

Thợ gác kèo ong ở rừng U Minh Hạ mang theo dụng cụ đi “ăn ong”

Thợ gác kèo ong ở rừng U Minh Hạ mang theo dụng cụ đi “ăn ong”

Nơi chúng mình đến là một tổ ong nhỏ, lối vào cả chiều rộng và chiều cao đều chỉ khoảng 1 mét. Dù đã ăn mật ong nhiều lần nhưng chưa từng nhìn thấy tổ ong mật tận mắt, mình lấy hết dũng khí chui vào tổ.

Trên chiếc kèo gác, đàn ong bu kín tổ mật không chừa một khoảng hở. Nếu không có ánh sáng mặt trời rọi từ trên xuống, mình cũng không thể nhận ra mảng màu đen này là tổ ong, nơi tạo ra những dòng mật ngọt ngào.

Ong làm tổ trên kèo

Ong làm tổ trên kèo

Chui vào tổ khi đàn ong vẫn đang tỉnh táo, mình vừa chụp ảnh vừa lo sợ bị bọn chúng tổng tấn công nên chỉ khoảng 2 – 3 phút sau, mình đã trở ra để thợ ong vào làm công việc “gây mê”.

Anh thợ đốt bùi nhùi đặt vào trong xô rồi mang vào tổ. Bị say khói, đàn ong ùa ra y như “ong vỡ tổ”, tiếng rì rì đập cánh khiến cả đoàn mình hoảng hốt. Ông Hon nhắc nếu ong bám vào người thì đứng im, không được xua đuổi nên mình chỉ biết bình tĩnh bước từng bước, trong lòng thấp thỏm lo sợ. May mắn là cả chuyến đi mình không bị vết chích nào.

Đốt đuốc tạo khói để xua ong bay ra khỏi tổ

Đốt đuốc tạo khói để xua ong bay ra khỏi tổ

Tổ ong lấy được không quá to và nhiều mật nhưng với chúng mình, đây cũng gọi là có thành tựu khi đi gác kèo ong. Cây kèo ong làm tổ được hai người khiêng ra bãi cỏ gần nơi đỗ vỏ lãi để thưởng thức trực tiếp. Trên đường đi vẫn còn những chú ong lưu luyến bám theo tổ mãi không rời.

Khiêng tổ ong ra khu vực rộng và thoáng để thưởng thức trực tiếp

Khiêng tổ ong ra khu vực rộng và thoáng để thưởng thức trực tiếp

Từng khoang hình lục giác nằm xen kẽ trên mặt tổ như một cách sắp xếp hoàn hảo của thiên nhiên. Viền tổ màu trắng, ngả vàng và chuyển nâu đậm dần về phía trung tâm do tập trung nhiều mật.

Dùng tay nhấn vào tổ ong, lớp mật vàng óng, sóng sánh chảy ra khiến mấy anh trong đoàn mình vội vàng dùng lá chuối và chai nước suối để hứng vì tiếc thứ mật ong thiên nhiên hảo hạng này.

Mật ong vàng óng dưới nắng hè

Mật ong vàng óng dưới nắng hè

Bẻ một miếng sáp ong nếm thử trực tiếp, vị ngọt và hương thơm của dòng mật vàng tấn công trực diện vào vị giác ngay từ miếng đầu tiên. Mật ong hoa tràm trong và vàng như nước cam, lỏng và có vị ngọt dịu hơn một chút so với các loại mật ong hoa nhãn, hoa bưởi đóng chai mà mình ăn trước đây.

Dùng tay bẻ sáp ong và thưởng thức mật ong thiên nhiên chưa qua chế biến

Dùng tay bẻ sáp ong và thưởng thức mật ong thiên nhiên chưa qua chế biến

Mình không thích ngọt nên không ăn nhiều, nhưng lại bị thu hút bởi màu sắc và mê mẩn vẻ đẹp của tổ ong rừng với những ô lục giác bé xíu. Dưới cái nắng hè, lớp mật như sáng bừng lên.

Vẻ đẹp của tổ ong hoa tràm

Vẻ đẹp của tổ ong hoa tràm

Thưởng thức xong, chúng mình mang tổ ong lên vỏ lãi, đưa về nhà hàng của ông Hon để sơ chế thành mật ong đóng chai. Mật ong rừng tràm U Minh Hạ đã được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau đăng ký độc quyền thương hiệu. Các bạn có thể mua một chai mật ong hoa tràm tại U Minh Hạ với giá dao động khoảng 500.000 đồng.

Mang cây kèo ong lên vỏ lãi về nhà hàng để sơ chế thành mật ong tự nhiên nguyên chất

Mang cây kèo ong lên vỏ lãi về nhà hàng để sơ chế thành mật ong tự nhiên nguyên chất

Thời điểm thích hợp đến U Minh Hạ

Thời tiết tại U Minh Hạ được chia thành 2 mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Mùa khô bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 10, mùa mưa kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Du khách có thể tham quan, khám phá Vườn Quốc gia này vào mọi thời điểm trong năm.

Nhưng để trải nghiệm đi “ăn ong", bạn nên đến vào thời điểm từ cuối tháng 5 đến tháng 8 âm lịch hoặc từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch.

Đến U Minh Hạ, mình được ngồi vỏ lãi len lỏi qua những con rạch dưới tán rừng tràm nguyên sinh và qua những cánh đồng lau sậy, nhìn những con bìm bịp, chim chao chảo, chim ròng rọc bay liệng trên trời. Nhưng trải nghiệm lần đầu tiên trong đời đi gác kèo ong ở rừng U Minh Hạ và bị ong đuổi vẫn là kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình trong chuyến đi.

Ngồi vỏ lãi tham quan rừng U Minh Hạ là trải nghiệm không thể thiếu khi đến đây

Ngồi vỏ lãi tham quan rừng U Minh Hạ là trải nghiệm không thể thiếu khi đến đây

Nếu có dịp về đất mũi Cà Mau, cực Nam của Tổ quốc, bạn hãy thử một lần trải nghiệm nghề gác kèo ong ở rừng U Minh Hạ, một trong những di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia này nhé.