Cầu ngói Thanh Toàn – vẻ đẹp bình yên của Huế

35

Ai về cầu ngói Thanh Toàn
Cho em về với một đoàn cho vui

Câu ca dao xưa về một kiến trúc ấn tượng và duy nhất của Huế níu chân tôi trong một lần tìm kiếm thông tin về Huế. Thế nên khi vừa có dịp ra Huế, tôi thuê ngay chiếc xe máy đi tìm địa điểm này. Huế đón tôi trong một ngày mưa xuân giăng khắp chốn. Trời vừa mưa vừa gió khiến con đường như kéo dài thêm. Nhưng bạn yên tâm, cuối chặng đường đó có một công trình đặc biệt – cầu ngói Thanh Toàn. Nói là đặc biệt bởi kiến trúc “thượng gia, hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu) không hiếm nhưng cũng chẳng phải phổ biến ở Việt Nam. Đây vốn là những cây cầu bắc qua đoạn sông nhỏ, nhưng bên trên cầu có dựng kèo cột, chia nhiều gian, lợp mái ngói như một ngôi nhà nhỏ. Ở nước ta chỉ còn một vài cây cầu mang kiến trúc này như cầu ngói Chợ Lương, cầu ngói Chợ Thượng (Nam Định), cầu ngói Phát Diệm (Ninh Bình), Chùa Cầu (Hội An) và cầu ngói Thanh Toàn (Huế)…

Làm sao để đến cầu ngói Thanh Toàn

Cầu ngói Thanh Toàn nằm ở làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy. Đây là vùng ngoại ô thành phố Huế, cách trung tâm thành phố khoảng 8km. Mặc dù nằm ở vùng quê nhưng đường đi rất khang trang, rộng rãi và dễ tìm. Bạn có thể xem trên Google Maps với từ khóa “Cầu ngói Thanh Toàn” hoặc “Chợ quê cầu ngói Thanh Toàn” thì sẽ có hướng dẫn chi tiết ngay.

Cầu ngói Thanh Toàn

Đường từ cầu Tràng Tiền đi cầu ngói Thanh Toàn theo Google maps. Gần như chỉ chạy thẳng một đường Hoàng Quốc Việt là đến. Xe ô tô có thể vào đến sân ngay bên cạnh cầu

Lịch sử cầu ngói Thanh Toàn

Cầu ngói Thanh Toàn nằm trên địa phận làng Thanh Toàn, trước đây vốn thuộc huyện Phú Vang; sau này vùng đất trên được cắt ra lập thành huyện Hương Thủy, giờ là thị xã Hương Thủy.

Vào thế kỷ 18, nơi đây còn rất hoang sơ, người dân qua lại phải chèo thuyền khá vất vả. Thương người, bà Trần Thị Đạo, vợ của một vị quan lớn trong triều Lê đã bỏ tiền túi xây dựng một cây cầu để đỡ phần khó khăn cho dân làng. Bà cũng là hậu duệ của một trong 12 vị tộc trưởng đã lập nên làng Thanh Toàn từ thế kỷ 16. Năm 1776, cầu ngói Thanh Toàn được thành hình. Cầu được thiết kế theo kiểu “thượng gia, hạ kiều” như một ngôi nhà nhỏ bắc qua con mương be bé.

Cầu ngói Thanh Toàn

Cây cầu nằm dưới những gốc cây to nên rất mát mẻ

Với tấm lòng nhân hậu ấy, bà Trần Thị Đạo đã được vua Lê Hiển Tông ban sắc khen. Năm 1925, vua Khải Định sắc phong cho bà là Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù và cho người dân lập bàn thờ trên cầu để thờ cúng bà.

Đến năm 1990, cầu được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 575/QĐ ngày 14/7/1990 của Bộ Văn hóa Thông tin.

Kiến trúc cầu ngói Thanh Toàn

Cầu ngói Thanh Toàn dài khoảng 17m, rộng khoảng 4m, được làm bằng gỗ. Đây cũng là vật liệu chính ở mọi cây cầu ngói cổ khác ở nước ta. Vì là gỗ, để đảm bảo an toàn nên cầu ngói chỉ dành cho người đi bộ chứ phương tiện cơ giới không được đi qua cầu. Do đó để bước lên cầu, người ta thường làm bậc tam cấp hoặc một thanh gỗ chắn ngang để ngăn xe lên cầu.

Bên dưới cầu là hệ thống trụ đỡ cũng được làm bằng gỗ. Có tổng cộng 6 hàng, mỗi hàng 3 cột. Khoảng cách giữa 2 hàng cột ở chính giữa rộng và cao hơn các khoảng cách còn lại để các con đò nhỏ có thể đi qua được, vừa đỡ vất vả cho người đi bộ vừa vẫn đảm bảo thông suốt đường thủy.

Cầu ngói Thanh Toàn

Phần để tấm gỗ lớn bịt kín một phần cầu như hình trên là nơi đặt bàn thờ bà Trần Thị Đạo, người đã có công xây cầu

Các cột được nối với nhau bằng những thân gỗ lớn nằm ngang để tạo độ chắc chắn cho toàn bộ khối công trình ở trên. Từ các thanh ngang này, người ta dựng lên các cột để dựng nhà cho cầu. Cầu được chia thành bảy gian, gian giữa rộng nhất, bịt kín một phía để làm nơi đặt bàn thờ bà Trần Thị Đạo. Sáu gian còn lại đều để thông thoáng, mỗi bên đặt hai dãy bục gỗ dài dọc theo thân cầu. Khách qua lại có thể ngồi nghỉ ngơi cho đỡ mệt. Nơi đây, người ta có thể dừng chân tránh nắng mùa hè hoặc cho khách lỡ độ đường trú tạm tránh cơn mưa. Vì vậy, đây luôn là điểm đến yêu thích của người dân trong làng.

Cầu ngói Thanh Toàn

Bục gỗ đặt dọc theo thành cầu để làm nơi dừng chân hóng mát, có tay vịn. Từ đây mọi người có thể ngắm khung cảnh thanh bình của không gian làng quê đặc trưng ở Việt Nam với sông nước, cây cầu, ruộng lúa và khu họp chợ bên kia cầu. Ngôi nhà phía bên kia cầu, nằm bên góc trái ảnh chính là Nhà trưng bày nông cụ

Trên các cột kèo hầu như rất đơn giản, nếu có chạm khắc thì họa tiết cũng khá đơn giản. Phần được chăm chút, trang trí công phu nhất của cầu ngói Thanh Toàn chính là phần mái. Các chi tiết ở đây đều khảm sứ cầu kỳ và rất lung linh khi có ánh sáng chiếu vào.

Trên mái, ở chính giữa là đôi chim phượng đang tung cánh hướng về phía mặt trời

Trên mái, ở chính giữa là đôi chim phượng đang tung cánh hướng về phía mặt trời

Mái trên hai đầu cầu là hình tượng con rồng đang uốn lượn

Mái trên hai đầu cầu là hình tượng con rồng đang uốn lượn

Hai mặt tiền ở hai đầu cầu cũng khảm sành sứ trang trí hình tre trúc, hoa lá

Hai mặt tiền ở hai đầu cầu cũng khảm sành sứ trang trí hình tre trúc, hoa lá

Đi qua cầu là một khoảng sân rộng, nơi đây thường tổ chức các phiên chợ quê nhân các dịp lễ hội, giỗ bà Trần Thị Đạo, festival Huế… Cạnh đó còn có nhà trưng bày nông cụ, mô phỏng lại những hoạt động sản xuất, canh tác ở địa phương. Ngoài ra còn có gian giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ nơi đây.

Cầu ngói Thanh Toàn

Khoảng đất rộng phía bên kia cầu ngói là điểm thu hút du khách mỗi mùa lễ hội với hàng loạt các hoạt động, trò chơi dân gian thú vị như đập ấm, hội hô bài chòi, hò Huế, ngâm thơ…

Cầu ngói Thanh Toàn hiện nay đang nằm trong danh sách các điểm đến du lịch của Huế nên công trình được giữ gìn và tôn tạo khá khang trang. Lối dẫn lên cầu lát gạch đỏ, vừa sạch sẽ vừa hợp với màu sắc tổng quan của công trình.

Cầu ngói Thanh Toàn

Do vậy, nếu bạn ưa thích các công trình kiến trúc cổ, hay muốn thưởng thức không gian lãng mạn khi ngồi trên cầu hóng gió, chiêm ngưỡng vẻ đẹp xưa cũ của làng quê miền Trung, hoặc đơn giản là trải nghiệm cho hết bộ sưu tập các cây cầu “thượng gia, hạ kiều” thì đừng bỏ qua cầu ngói Thanh Toàn nhé.