Là một tỉnh trực thuộc miền Đông Nam Bộ, Tây Ninh từ lâu đã trở thành mảnh đất tâm linh với nhiều danh thắng thu hút hàng ngàn người đến viếng thăm mỗi năm. Nhắc đến Tây Ninh, ai cũng sẽ nghĩ ngay đến Núi Bà Đen hay Tòa Thánh Cao Đài, nhưng mấy ai biết rằng Tây Ninh còn có cả những ngôi đình tháp cổ đã tồn tại đến trăm năm hay ngàn năm đang dần bị lãng quên.
Tháp cổ Bình Thạnh
Địa chỉ: DT786, ấp Bình Phú, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh
Đi dọc theo quốc lộ 22 từ bến xe An Sương về phía cửa khẩu Mộc Bài thuộc huyện Gò Dầu, tháp cổ Bình Thạnh nằm sâu trên một con đường nhỏ sát với biên giới Campuchia. Đường dẫn vào tháp nhỏ, đi qua cánh đồng ruộng mênh mông mang đến cảm giác bình yên.
Đường Bến Đình với hai cánh đồng lúa rộng mênh mông
Cùng với tháp Chót Mạt nằm tại huyện Tân Biên, tháp Bình Thạnh là một trong hai tháp cổ có kiến trúc mang văn hóa Óc Eo còn sót lại ở Tây Ninh. Theo thông tin khảo cổ, tháp Bình Thạnh đã được xây dựng vào khoảng thế kỷ VIII – IX, tức đã tồn tại hơn 1000 năm cho đến nay.
Lối nhỏ dẫn đến tháp Bình Thạnh
Được phát hiện vào năm 1886, trải qua bao thời thế nhưng lạ thay tháp Bình Thạnh vẫn còn được giữ nguyên vẹn. Tháp nằm trên một mảnh đất hình vuông, chiều cao của tháp 10 mét, 4 mặt rộng 5 mét với một cửa chính để đi vào thắp hương, cùng nét chạm khắc hình thần linh bên ngoài tạo nên sự đặc biệt hiếm có.
Miếu thờ phía trước tháp Bình Thạnh đầy yên tĩnh
Khá giống với kỹ thuật xây dựng tháp Chăm ở miền Trung, tháp cổ Bình Thạnh sử dụng các viên gạch nung xếp chồng lên nhau mà không sử dụng bất kỳ chất kết dính nào. Đây cũng là kỹ thuật xây dựng đã bị thất truyền khiến các nhà khảo cổ không tìm ra lời giải.
Đình Hiệp Ninh
Địa chỉ: Khu phố 4, Đường Ba Mươi Tháng Tư, Phường 3, Thành Phố Tây Ninh
Những tưởng đình làng chỉ có mặt ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam, thế nhưng ở mảnh đất Tây Ninh có đến 23 ngôi đình được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Trong đó đình Hiệp Ninh là ngôi đình duy nhất được công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Khi xưa Tây Ninh thuộc đất thành Phiên An của tỉnh thành Gia Định, ở mỗi xã của Gia Định đều phải có đình làng để hành lễ cúng tế, hội họp bà con vào các dịp quan trọng. Được hoàn thành vào năm 1900, đình Hiệp Ninh đã tồn tại được 123 năm tính đến nay.
Cổng Đình hiên ngang một màu vàng rực rỡ
Từ ngoài cổng đình, chúng ta đã thấy được một màu vàng rực rỡ cùng hàng cây sao quen thuộc dọc theo lối vào của các đình làng xưa. Thật khó để không khỏi choáng ngợp khi đứng trước ngôi đình trang nghiêm với vẻ ngoài được điêu khắc tinh xảo.
Hai cổng chính dẫn vào đình với hai câu đối nhằm nhớ ơn người xưa nằm hai bên
Kiến trúc của đình gồm tiền đình, hậu đình và nhà khách. Mặt tiền đình qua mặt tam cấp, hai bên có lầu chuông gác trống, cửa chính ba gian đóng gỗ, chạm lọng hoa dây, bát quái, chữ Thọ, bát quái, trên mái nhà đắp lưỡng long tranh châu và cá chép hóa rồng. Phía trước là khoảng sân rộng tạo nên sự tĩnh lặng cho những ai ghé thăm.
Mặt trước đình được chạm đá tinh xảo
Hiện nay, đình Hiệp Ninh không chỉ thờ phụng mà còn cất giữ nhiều hiện vật mang giá trị lịch sử như: Sắc phong thần do vua Khải Định thân phong Thành Hoàng năm 1917, bàn thờ Thành Hoàng bằng gỗ được điêu khắc với họa tiết vân mây và long chầu nguyệt, tủ thờ Thiên Kim Thiên Tử Thượng vị với cặp rùa đội hạc…cùng nhiều hiện vật khác.
Phải nói đình Hiệp Ninh là một nơi độc đáo để tìm hiểu về lịch sử và văn hóa độc đáo của ông cha ta.
Bên trên mái đình được chạm nhiều bức tượng lưỡng long tranh châu
Đình Thái Bình
Địa chỉ: Khu Phố 4, Phường 1, Thành Phố Tây Ninh
Cùng với đình Hiệp Ninh, đình Thái Bình đã tồn tại hơn 100 năm trên mảnh đất Tây Ninh. So với các đình làng trên khắp cả nước, đình làng ở Tây Ninh được xây dựng khá trễ, thế nhưng vẫn giữ được những truyền thống cao đẹp cùng lối kiến trúc quen thuộc của người Việt Nam.
Mặc tiền đình cùng khoảng sân rộng để hội họp nhưng nay vắng người
Đình Thái Bình được dùng để thờ Thành Hoàng Võ Văn Oai, người có công đánh giặc bảo vệ đất nước. Đến nay, trong đình vẫn còn lưu giữ sắc phong thần của vua Khải Định vào năm 1917.
Ngôi đình được nhìn từ ngoài vào đầy vẻ cô độc
Đến thăm đình vào một ngày nắng chói chang, màu vàng của ngôi đình sáng rực cả khu phố. Dù vậy, ngôi đình vẫn không thoát khỏi sự cô độc do ít người lui tới, có lẽ vì những ngôi đình cổ không còn đủ sức hút với người dân hay du khách, cũng có lẽ vì đình cổ chỉ mở cửa khi tổ chức lễ hội Kỳ yên.
Chùa Botum Kirirangsay
Địa chỉ: Đường Khedol, ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh
Nằm ở phía Bắc núi Bà Đen, đi dọc theo đường Khedol băng xuyên qua cánh đồng cọ xanh rì rào để đến với chùa Botum Kirirangsay đang dần phai màu theo năm tháng.
Cánh đồng Khedol đầy gió nằm phía sau chân núi Bà
Vì nằm trên đường Khedol nên chùa còn có một cái khác là chùa Khedol. Trái ngược với những ngôi chùa nổi tiếng của Tây Ninh, chùa Botum Kirirangsay nằm ở một nơi khá biệt lập nên không gian bình yên đến lạ. Và cũng có lễ vì thế, ngôi chùa này có ít người Tây Ninh biết đến.
Chùa Botum Kirirangsay nằm giữa vườn cây xanh mát
Ngôi chùa được xây dựng với nét kiến trúc độc đáo như những ngôi chùa Khmer ở tỉnh Sóc Trăng. Tuy chùa đã xuống cấp và đang được trùng tu lại, nhưng ngôi chùa vẫn giữ được lớp sơn vàng chủ đạo cùng màu hồng bắt mắt. Bên cạnh chùa có trồng một cây thốt nốt cao to, loài cây đặc trưng của đồng bào Khmer.
Kiến trúc chùa độc đáo hòa cùng gam màu thời gian
Ít ai biết rằng Chùa Botum Kirirangsay theo phái nam Tông, mang tư tưởng Tiểu thừa nên chỉ thờ Phật Thích Ca ở chính điện. Nếu có dịp đến thăm núi Bà, bạn có thể đi thêm một đoạn đến đây để thăm chùa và cúng viếng. Đặc biệt vào tháng 4 âm lịch, chùa sẽ tổ chức Tết Chol Chnam đầy náo nhiệt để cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa.
Mặt bên chùa được chạm khắc hoa văn độc đáo cùng các bức tượng thần linh
Tuy Tây Ninh không sở hữu những vùng biển đẹp để phát triển du lịch mạnh, nhưng lại là mảnh đất lôi cuốn nhiều du khách đến thăm bởi sự ma mị của các điểm đến linh thiêng. Hy vọng 4 khu đình tháp được kể trên sẽ mang đến bạn một góc nhìn mới, một trải nghiệm mới khi đến với Tây Ninh.