Qua nhiều chuyến đi mình rút ra nhận xét: Cứ cái gì ở phía Tây thường rất mát mẻ và đẹp hoang sơ, từ Tây Nguyên, Tây Bắc và giờ là Tây Quảng Trị. Bắc Hướng Hóa là nằm ở phía Tây Bắc của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Nơi đây có một nền khí hậu và cảnh quan khác biệt hoàn toàn với mảng phía Đông – nơi nóng bức nổi tiếng.
Cách tới Bắc Hướng Hóa
Để đến Bắc Hướng Hóa, bạn có thể đi bằng 2 cách:
Cách 1 từ Quảng Trị đi theo đường 9 để đến thị trấn Khe Sanh của huyện Hướng Hóa, sau đó tiếp tục chạy dọc theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây khoảng 25 km nữa là ta đến Bắc Hướng Hóa. Độ dài quãng đường khoảng 90km đi từ trung tâm Đông Hà. Bạn có thể lựa chọn di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô đều được vì đường ở đây rất đẹp và rộng rãi. Hay nhất là đi tự túc. Còn nếu bạn đi xe khách thì có thể bắt xe Đông Hà – Khe Sanh, sau đó tiếp tục bắt xe ôm lên Bắc Hướng Hóa
Cách 2 là bạn xuất phát từ Quảng Bình, đi theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, hết địa phận Quảng Bình là tới Bắc Hướng Hóa. Mình đã làm chuyến phượt đi hết dải Đông Tây Trường Sơn nên mình chọn cách 2 này. Vừa đi mình vừa có điều kiện so sánh khí hậu từng vùng. Khi Quảng Bình nóng oi kinh khủng thì bước chân sang Hướng Hóa, khí hậu dịu mát làm mình bất ngờ, không tin được. Đường đi khá đẹp, chỉ sợ mùa mưa bị sạt lở bất ngờ. Còn mùa khô thì yên tâm.
Con đường đi lên Bắc Hướng Hóa phủ đầy màu xanh
Vẻ đẹp của Đà Lạt ngay ở Quảng Trị
Khí hậu mát mẻ quanh năm
Điểm thú vị nhất của Bắc Hướng Hóa là khí hậu mát mẻ. Khi Đông Hà đang nóng như chảo lửa thì ở đây mây khói bao phủ như Đà Lạt. Đặc trưng khí hậu tại đây nhiệt trung bình năm dao động khoảng 24 – 25 độ C. Mùa đông ở đây thời tiết khá lạnh, độ ẩm cao và có lượng mưa lớn, dài ngày.Vì thế, người dân ở đây trồng cả cà phê, sâm, hoa ly và nhiều loài hoa khác vốn mang thương hiệu Đà Lạt trên đỉnh Sa Mù. Đây là sự lạ chưa từng có ở núi rừng Hướng Hóa.
Đèo Sa Mù huyền ảo
Mình đã lái xe xuyên qua đèo Sa Mù. Đèo dài 19,8km (dài như đèo Hải Vân) nối hai xã Hướng Phùng và Hướng Việt thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Đèo uốn quanh co, mây phủ trắng xóa, vô cùng hiểm trở với độ cao tương đương Đà Lạt (1,550m). Nơi đây được xếp vào danh sách những cung đường đèo hiểm trở bậc nhất Việt Nam, bên cạnh những cái tên như: Mã Pì Lèng, Pha Đin, Hải Vân…Đứng trên đỉnh Sa Mù, dù ngày hay đêm, bất kì mùa nào cũng thấy sương mù bay là là trước mặt. Nơi đây như Đà Lạt với một ngày có thể đủ cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông… Vách núi bên đường dựng đứng như thách thức con người. Thỉnh thoảng xuất hiện những thác nước tưởng chừng như từ trên trời rơi xuống. Càng lên cao, ta càng thấy vực sâu hun hút ẩn hiện trong cây rừng ken đặc. Cảnh vật lúc ẩn lúc hiện trong màn sương toát lên khí vị của đại ngàn bao la, điệp điệp trùng trùng, hùng vĩ.
Săn mây ở đèo Sa Mù
Rừng núi xanh mát bao phủ
Quá thích không gian ở đây kèm với việc xe bị hỏng, mình dừng chân xin ngủ nhờ nhà một người dân. Từ đó, mình có thời gian chiêm ngưỡng toàn bộ vẻ đẹp nơi này. Bắc Hướng Hóa là vùng núi non đại ngàn, trong đó nổi bật có khu bảo tồn thiên nhiên là Bắc Hướng Hóa với hệ thống động thực vật đa dạng phong phú.Nơi đây không quản lí theo kiểu kiểm lâm. Du khách muốn thăm quan chủ yếu phải nhờ dân bản địa dẫn đường. Gần đây, ý thức được nguy hại của sạt lở đất, nhiều đơn vị du lịch gắn khám phá với phát triển và bảo vệ rừng, hướng tới du lịch xanh theo tiêu chuẩn quốc tế. Tới đây, mình được người dân dẫn lên đỉnh Voi Mẹp. Nơi đây được mệnh danh là “nóc nhà” của Quảng Trị có độ cao trên 1.700 mét so với mực nước biển, nổi tiếng bởi vẻ đẹp huyền bí với những cánh rừng nguyên sinh hùng vĩ xanh mướt, những dốc đá cheo leo và những thác nước lớn rầm rộ chảy qua cánh rừng già. Để lên tới đỉnh, ta phải vượt qua 3 con thác hiểm trở, trong đó có thác Ba Vòi cao 300 m tuyệt đẹp. Từ trên đỉnh nhìn xuống thấy các dãy núi nối nhau chen lấn gập gềnh trải dài đến tận chân trời.
Núi Voi Mẹp mây phủ quanh năm
Thác Ba Vòi như sơn nữ giữa núi rừng Hướng Hóa
Suối thác hoang sơ
Thác Ba Vòi đã đẹp nhưng còn nhiều con thác khác ấn tượng hơn. Khi xe vừa sửa xong, mình liền phóng đi thăm quan ngay. Bắc Hướng Hóa nổi bật có 2 thác là Chênh Vênh và Tà Puồng:
– Thác Chênh Vênh nằm dưới chân đèo Sa Mù, cách đường quốc lộ 9 tầm khoảng 27km, thuộc xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Đến đây rồi bạn có thể nghe được tiếng nước chảy róc rách, được ngắm khung cảnh hùng vĩ và thỏa sức bơi lội, cắm trại dưới chân thác. Tuy nhiên, khu vực quanh thác hay bị sạt lở. Hè 2022, mình qua đây, cả mảng đồi sát đường 9 bị sạt lở, bít luôn cả lối vào thác. Nhìn cảnh ấy từ đèo Sa Mù làm mình thấy vừa thương vừa sợ cho một nơi đẹp mà còn nhiều vất vả.
Thác Chênh Vênh trắng xóa giữa đại ngàn.
– Thác Tà Puồng thuộc xã Hướng Việt. Đường tương đối khó đi. Tới đây, mình phải nhờ người dân dẫn đường, phải băng rừng lội suối, leo dốc cao, đi qua các bãi đá lớn. Song cảnh vật nguyên sơ nơi đây làm mình thực sự thích thú. Những khối đá tự nhiên dọc đường đi với nhiều hình thù trông rất đẹp mắt. Rừng già nguyên sinh tạo quang cảnh xanh mát với nhiều cây cổ thụ lớn. Dưới tầng tán cổ thụ, cả một thế giới lan rừng, nấm,.. đẹp như cổ tích. Một không gian hòa trộn giữa tiếng gió xào xạc, tiếng chim muông và xa xa là tiếng ào ạt thác đổ.Con thác cao chừng hơn 20 mét chảy thẳng từ lưng chừng núi xuống dưới qua những vách núi đá thẳng đứng tạo các hồ nước xanh mát, nhìn đã muốn xuống tắm ngay.
Thác Tà Puồng như bản đàn trữ tình giữa núi rừng
Các hoạt động trải nghiệm khi tới Bắc Hướng Hóa
Bắc Hướng Hóa là mảnh đất đáng nhớ trong chuyến hành trình phượt Đông – Tây Trường Sơn của mình. Nó để lại cho mình bài học: chỉ có đến tận nơi trải nghiệm mới biết được chính xác, còn nằm nhà tưởng tượng thì mãi là tưởng tượng mà thôi. Nếu không tới đây, mình cứ vẫn mãi nghĩ Quảng Trị chỉ là vùng đất nóng bức. Còn các bạn, cũng đi và trải nghiệm thôi. Chắc chắn các bạn sẽ còn nhiều phát hiện hay hơn mình.