Du lịch Quỳ Châu – Khám phá hang động Karst và thác Khe Bàn

52

Là một phần của Khu Dự trữ Sinh quyển miền Tây Nghệ An (cũng là Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới), Quỳ Châu còn rất nhiều điều lý thú và hấp dẫn, khiến mình phải dành hẳn riêng một chuyến đi khám phá mảnh đất còn ít người để ý trên bản đồ du lịch này.

Đôi nét về Quỳ Châu

Quỳ Châu là một huyện miền núi thuộc miền Tây Nghệ An, nơi còn ít người biết hoặc để ý tới trong hành trình khám phá của mình. Nếu bạn đã từng biết về đồi hoa hướng dương ở Nghĩa Đàn, thì Quỳ Châu là một huyện nằm cách đó không xa.

Huyện Quỳ Châu có địa hình đồi núi phức tạp với hơn 72% diện tích ở độ cao trên 200m so với mực nước biển, bị chia cắt bởi mạng lưới sông suối dày đặc và gần 90% diện tích đất là rừng. Nhưng đổi lại, nơi đây có thiên nhiên hùng vĩ, hệ thống núi đá vôi với rất nhiều hang động Karst và một “kho tàng” những nét văn hoá đặc sắc của đồng bào Thái.

Đường quốc lộ 48 dẫn tới Quỳ Châu

Đường quốc lộ 48 dẫn tới Quỳ Châu

Là một người yêu thích khám phá trải nghiệm, mình quyết định lên đường dù chưa có bất kỳ kinh nghiệm nào trong việc đi các hang Karst. Sau khi tìm hiểu về một số hang động và thác nước ở Quỳ Châu, chuẩn bị sơ một chút với các dụng cụ có sẵn, mình lên đường.

Và bây giờ, cùng mình lên đường nhé!

Hành trình khám phá vẻ đẹp tự nhiên Quỳ Châu

Hang động kỳ vĩ và bí ẩn

Là một huyện có hệ thống núi đá vôi, Quỳ Châu có hẳn cho mình một loạt các hang động ẩn sâu trong các núi đá vôi. Tuy các hang động có quy mô không lớn, nhưng chúng đóng góp một vai trò quan trọng trong quá trình thúc đẩy phát triển và đặc biệt, một trong số các hang động đóng vai trò vô cùng quan trọng trong khảo cổ học.

Lần mò các thông tin trên Google trước khi đi, mình nhận được không nhiều thông tin về các hang động ở Quỳ Châu. Khi tới nơi, trò chuyện với người địa phương, mình mới biết, ngoài vài hang động mình biết được trên mạng, còn nhiều hang khác nữa, thậm chí có những hang chỉ người quanh khu vực đó mới biết.

Lượng thời gian không nhiều, mình đã ghé qua ba hang động.

Hang Bua nổi tiếng với phong cảnh đẹp, nên thơ, trữ tình cùng những nét văn hóa đặc sắc, đã được Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là “Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia” năm 1997. Đây là hang nổi tiếng nhất trong , bởi nó được xem là hang động đẹp nhất miền Tây Nghệ An và có giá trị về khảo cổ học.

Hang Bua (tiếng Thái gọi là Tthẳm Bua) nằm trên dãy núi đá vôi Phà Én, thuộc bản Na Nhàng (hay thôn Hồng Tiến), xã Châu Tiến và có “mặt tiền” thoáng đãng, nằm trong khu dân cư nên rất dễ dàng để ghé thăm.

Du lịch Quỳ Châu

Đường vào hang Bua – Du lịch Quỳ Châu

Hang có ba cửa, trong đó hai cửa ở lối vào nằm cạnh nhau, và một cửa ở phía sau. Ở lối đi chính, khi bắt đầu vào hang bạn sẽ bắt gặp ngay một khối đá chắn ngang lối vào, như một bức bình phong cho hang động.

Cửa chính của hang

Du lịch Quỳ Châu

Lối thứ hai dẫn vào hang

Lòng hang khá rộng, có nhiều măng đá, trụ đá, nhũ đá tạo nên những hình thù sống động và có thể chứa được hàng trăm người cùng lúc. Các khối đá trong hang được thiên nhiên gọt dũa tạo thành hình nhũng hình thù trừu tượng như ruộng bậc thang, bộ cồng chiêng, giường công chúa… hay những dụng cụ gắn liền với cuộc sống thời xưa của người Thái như dao, nỏ, liềm…

Cảnh sắc trong hang

Nước ngấm qua các trần hang, chảy róc rách từ đỉnh hang giúp nhiệt độ trong hang rất dễ chịu dù bên ngoài đang khá nóng và mới chỉ bước qua cửa hang một đoạn ngắn. Mình tới hang vào ngày thường nên không có ánh sáng từ hệ thống đèn. Đèn trang trí và chiếu sáng trong hang chỉ được bật vào những dịp lễ để đón số lượng lớn các đoàn khách tham quan.

Phía trước hang là thung lũng Chiềng Ngam rộng lớn, cây cối xanh tốt quanh năm, bản làng quây quần. Đây cũng là nơi tổ chức lễ hội hang Bua.

Thung lũng Chiềm Ngam rộng lớn phía trước hang

Lễ hội hang Bua là lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Quỳ Châu nói riêng và vùng Tây Bắc Nghệ An nói chung, nhằm tưởng nhớ công ơn những người có công khai bản lập mường. Lễ hội được tổ chức từ ngày 20 – 22 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Chưa thể xác minh lễ hội Hang Bua ra đời từ bao giờ, chỉ biết vào năm 1937, vua Bảo Đại đã từ cố đô Huế về đây thăm thú, du Xuân, dự lễ hội. Lễ hội mang đậm bản sắc của đồng bào Thái với nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian của cư dân miền sơn cước như các hoạt động ca múa, thể thao dân tộc hay trò chơi dân gian truyền thống.

Không chỉ là một thắng cảnh đẹp, hang Bua còn có giá trị về di tích khảo cổ học. Năm 2015 theo chương trình “Nghiên cứu hệ thống các di tích khảo cổ hang động miền núi tỉnh Nghệ An” của Viện Khảo cổ học, các nhà khoa học đã thu được các di tích hậu kỳ Đá cũ (cách đây khoảng 40.000 – 15.000 năm) với kỹ thuật ghè đẽo thô sơ, nằm cùng hóa thạch của nhiều loài động vật trong trầm tích màu vàng rắn chắc.

Du lịch Quỳ Châu

Bảng thông tin trước cửa hang – Du lịch Quỳ Châu

Hang Bua là nơi giao hòa, gặp gỡ của đất trời, là vẻ đẹp kỳ vĩ mà Tạo hóa ban tặng cho con người nơi miền sơn cước Nghệ An. Tạm biệt hang Bua, mình lại tiếp tục hành trình với hang Thẳm Ồm nằm cách không xa đó.

Thẳm Ồm là hang động nằm tại bản Thẳm 1, xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu. Trong tiếng dân tộc Thái, “Thẳm Ồm” có nghĩa là hang Lớn. Từ hang Thẳm Bua tới Thẳm Ồm đường đi khá dễ dàng, hai hang động cách nhau khoảng 9km.

Đường tới hang Thẳm Ồm - Du lịch Quỳ Châu

Đường tới hang Thẳm Ồm – Du lịch Quỳ Châu

Đây là một hang động hoàn toàn hoang sơ. Để lên được cửa hang, mình phải leo lên khoảng 15m, băng qua một số bụi cây nhỏ. Khi lên đến cửa hang cũng là lúc tầm nhìn của mình được mở rộng và bao quát cả vùng phía dưới.

Cửa trước hang Thẳm Ồm

Cửa hang khá rộng, bạn thoải mái đi vào và dễ dàng có những bức hình đẹp với khối đá rất đẹp ngay tại lối vào cửa hang. Kích thước hang thu nhỏ dần theo chiều dài, tạo thành nút thắt cổ chai ở khu vực cuối hang.

Góc chụp cực chill trong hang

Góc chụp cực chill trong hang

Hang Thẳm Ồm chỉ có vài nhánh nhỏ trong lòng hang, nên bạn yên tâm là sẽ không bị lạc trong hang. Trong hang, ngoài đá, còn có một lớp đất mỏng dưới nền, nước ngấm trong các vách hang khiến lớp đất ẩm ướt. Vì thế đi qua khu vực nền ướt bạn chú ý để tránh bị trơn trượt.

Một vài ngách trong hang với trần hang cao

Một vài ngách trong hang với trần hang cao

Hang Thẳm Ồm không có nhiều nhũ đá, măng đá hay trụ đá như Thẳm Bua, nhưng hang có điều đặc biệt là xuyên núi. Đi tới cuối hang, mình phải cúi khom người mới đi tiếp được, từ đó một cửa hàng sẽ thông ra thung lũng nhỏ ẩn sâu phía trong. Thung lũng này được bao bọc bởi các ngọn núi xung quanh và chỉ có thể tiếp cận thông qua hang Thẳm Ồm.

Cửa sau hang Thẳm Ồm

Thung lũng lộ diện sau khi đi xuyên hang

Thung lũng lộ diện sau khi đi xuyên hang

Ngoài là một hang động có tiếng trong vùng, Thẳm Ồm còn là một địa điểm đáng chú ý về mặt khảo cổ học. Các cuộc khảo sát, khai quật và nghiên cứu cho thấy, Thẳm Ồm là nơi sinh sống của người tiền sử cách đây khoảng 60.000 – 40.000 năm, với các di tích hoá thạch người khôn và kỹ nghệ công cụ đá quatz.

Bảng thông tin hang Thẳm Ồm

Bảng thông tin hang Thẳm Ồm

Sau khi đi một vòng thung lũng để tìm hang Tôn Thạt mà không có kết quả, mình quay lại theo đường cũ để ra đường chính và tiếp tục lên đường ghé hang Thẳm Chàng.

So với nhiều hang động khác ở Việt Nam, dù không phải là một hang động lớn, nhưng Thẳm Ồm có nét kỳ bí rất riêng, đặc biệt sẽ thu hút những người thích có những trải nghiệm ở những vùng đất mới mẻ.

Trên đường tới Thẳm Ồm, có biển chỉ dẫn vào hang Thẳm Chàng. Đây là một hang động không nằm trong kế hoạch ban đầu của mình, vì thông tin về hang này trên mạng rất hạn chế.

Trong ba hang động mình đi lần này, Thẳm Chàng là hang có lối vào “ngoằn ngoèo” nhất, dù cửa hang cách đường chính khoảng chỉ khoảng 100m, nhưng lối vào và cửa hang bị chắn bởi chằng chịt cây cối. Đi xuyên qua rừng cây, mình cũng tới được cửa hang.

Đường vào hang Thẳm Chàng

Thẳm Chàng có cửa hang khá lớn và đẹp, lòng hang tương đối rộng và có một vài ngách nhỏ trong hang. Hang không lớn nhưng khá tối do cửa hang bị chắn bởi rừng rậm phía trước dù trần hang có nơi cao hơn 20m.

Cửa hang Thẳm Chàng

Theo cách gọi của đồng bào Thái, Thẳm Chàng nghĩa là “hang voi”. Đồng bào Thái ở trong vùng thường truyền tai nhau rằng, ngày xưa, vua Quang Trung đi đánh giặc qua đây, đưa voi vào hang này trú ẩn nên người xưa đặt tên hang là hang Thẳm Chàng.

Cũng như Thẳm Ồm hay hang Bua, Thẳm Chàng cũng là một hang động có giá trị về khảo cổ học với những di tích khảo cổ và những bích hoạ trên vách hang đã được tìm thấy vào năm 2021 thuộc thời tiền sử.

Khi đi sâu vào một ngách, dường như trong hang có người ở! Vì thế sau khi đi một vòng hang, mình cũng rời khỏi hang và ghé qua làng Thái cổ Hoa Tiến.

Bên trong Thẳm Chàng

Ở Quỳ Châu nói riêng và vùng miền Tây Nghệ An nói chung, mô hình du lịch cộng đồng được ưu tiên phát triển để tận dụng nguồn lực từ chính xác khu cộng đồng dân cư. Tới Quỳ Châu, bạn cứ lựa chọn một homestay trong khu du lịch cộng đồng, sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị cho những người ưa khám phá.Và Hoa Tiến là một ngôi làng như thế.

Làng Thái cổ Hoa Tiến

Làng Thái cổ Hoa Tiến

Ngay gần hang Thẳm Bua, Hoa Tiến là một làng Thái cổ với rất nhiều homestay để bạn lựa chọn. Trong làng cổ, mọi thứ chậm rãi trôi theo nhịp sống của người dân và rất đỗi bình dị. Ngay ở đầu đường đi vào Hoa Tiến, bạn sẽ gặp các guồng nước (cọn nước), và bạn cũng chỉ gặp guồng nước ở khu vực này khi tới Quỳ Châu, bởi đây là nơi duy nhất ở Quỷ Châu có guồng nước. Những guồng nước được làm từ tre nứa, tựa như một bánh xe khổng lồ chậm rãi quay. Bao mùa vàng bội thu nơi đây đã được tưới tắm từ những cọn nước này, để bản làng thêm ấm no, để nhà nhà thêm sung túc.

Cọn nước làng Hoa Tiến

Cọn nước làng Hoa Tiến

Các homestay tại các bản làng như Hoa Tiến và các bản làng khác dọc đường đi sẽ xua tan nỗi lo về lưu trú của bạn khi ghé thăm Quỳ Châu, và còn là những địa điểm để bạn tìm hiểu thêm về văn hoá, cuộc sống của người địa phương.

Thác nước Khe Bàn xanh mát

Ngủ lại một đêm tại nhà người dân địa phương, mình tiếp tục hành trình tới thác Khe Bàn, con thác nổi tiếng nhất khi .

Thác Khe Bàn thuộc xã Châu Bình. Từ quốc lộ 48, theo biển chỉ dẫn mình đi khoảng 6km là tới thác. Theo lời kể của người địa phương, trước đây đường vào thác khá khó khăn nhưng nay dường đã rất dễ đi, toàn bộ tuyến đường dẫn vào thác đã được xây dựng bài bản.

Đường tới thác Khe Bàn

Đường tới thác Khe Bàn

Một lưu ý nhỏ nhỏ cho mọi người nếu có dịp ghé thác. Nếu tìm trên Google Map, con thác bị gắn địa điểm sai. Để tới thác, bạn đừng đi theo đường mà Google Map chỉ, thay vào đó bạn cứ đi theo biển chỉ dẫn dọc đường, có rất nhiều biển chỉ dẫn trên đường đi, chắc chắn bạn sẽ không lạc đường. Hoặc bạn có thể đi theo vị trí chính xác tại toạ độ 19.511410, 105.139752.

Đường vào thác dẫn mình tới đỉnh thác. Tại đây có hẳn bãi đỗ xe, nhưng chưa có bất kỳ dịch vụ nào và vẫn đang mở cửa miễn phí cho tất cả mọi người. Thác không quá lớn nhưng cực kỳ yên bình, ngoài tiếng nước đổ, mình còn được nghe tiếng chim vang vọng khắp núi rừng.

Đã tới thác Khe Bàn

Đã tới thác

Đường xuống chân thác cũng đã được làm bài bản. Ở chân thác có khá nhiều đá nên muốn tắm cũng gặp đôi chút khó khăn. Tuy nhiên nếu muốn tắm thác, bạn cũng có thể tắm được. Và ở đây, nếu muốn cắm trại, bạn hoàn toàn có thể. Thậm chí có hẳn một lán trại được dựng sẵn dưới chân thác để mọi người nghỉ ngơi.

Phần thượng nguồn con thác

Phần thượng nguồn con thác

Thác Khe Bàn – Du lịch Quỳ Châu

Sau khi đã tắm thác, đi hết ngóc ngách khu vực quanh thác, mình lên đường trở về. Dọc đường đi, mình bắt gặp một vài homestay tương đối gần thác, nên sẽ rất tiện để mọi người nghỉ ngơi qua đêm nếu lỡ đường. Ở gần thác, cũng có một hang động gọi là hang Pả Sủn, sau khi hỏi người địa phương vị trí chính xác của hang, mình quyết định ghé hang. Hang nằm sâu sau vườn và rừng cây chằng chịt, không mang theo đồ mở đường, mình đành bỏ lỡ hang này và hẹn vào một dịp khác.

Du lịch Quỳ Châu

Phía trước là hang Pả Sủn

Quỳ Châu phù hợp với ai?

Quỳ Châu là mảnh đất còn khá mới mẻ với dân mê xê dịch, nhưng bù lại là những nét nguyên sơ của thiên nhiên, sự gần gũi và trù phú trong văn hoá địa phương, và đâu đó là sự kỳ bí trong những hang động Karst được thiên nhiên ban tặng cho nơi này.

Ngoài các hang động mình đã đi, còn nhiều hang động khác ở đây như hang Bông, Cỏ Ngụn, Pả Sủn… Nên, nếu bạn là người thích sự mới mẻ, thích những gì còn thuộc về sự hoang sơ của tự nhiên, thích khám phá trải nghiệm những vùng đất mới, hay thích hòa mình vào cuộc sống thường nhật của người dân địa phương ở những nơi mình đặt chân tới, thì sẽ là một vùng đất “tiềm năng” để thỏa đam mê của bạn.

Không lộng lẫy, không tráng lệ, nhưng các hang động nói riêng và Quỳ Châu nói chung vẫn rất biết cách tạo ấn tượng với lữ khách khi ghé thăm.