Ghé thăm chùa Bà Đanh Hà Nam cổ kính và linh thiêng

43

Khi nhắc tới Hà Nam, rất nhiều địa điểm nổi tiếng xuất hiện ngay trước mắt nhiều người như chùa Địa Tạng Phi Lai, đan viện Châu Sơn, nhà Bá Kiến trong “Chí Phèo” của Nam cao… Nhưng ít ai để ý, ở Hà Nam còn có một ngôi chùa rất nổi tiếng – nổi tiếng vì sự vắng vẻ nhưng cũng không kém phần cổ kính, linh thiêng! Đó chính là chùa Bà Đanh.

Chùa Bà Đanh ở đâu?

Chùa Bà Đanh, tên chữ là Bảo Sơn Tự, nằm ở thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Đây là danh thắng của đất Kim Bảng và được xem là một trong những ngôi chùa đẹp cũng như cổ kính nhất của mảnh đất Hà Nam.

Ngôi chùa đã được Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ Văn Hoá, Thể Thao và Du lịch) cấp bằng di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1994.

Đường Trần Hưng Đạo dẫn tới chùa

Đường Trần Hưng Đạo dẫn tới chùa

Để tới chùa Bà Đanh, từ thành phố Phủ Lý, bạn theo quốc lộ 21B đi về thị trấn Quế. Tới ngã tư Bưu điện Kim Bảng, rẽ vào đường Trần Hưng Đạo, đi khoảng 2km nữa là bạn sẽ tới nơi. Hoặc bạn cũng có thể đi theo lối cầu Treo Cấm Sơn để tới Chùa.

Lịch sử chùa Bà Đanh

Theo lịch sử ghi chép lại, chùa được xây dựng lần đầu tiên vào thế kỷ thứ VII. Ban đầu chùa được xây dựng bằng tranh tre, nứa lá. Đến năm Vĩnh Trị, đời Lê Hy Tông (1675-1705), chùa mới được xây dựng khang trang hơn.

Ban đầu, đền thờ thần Pháp Vũ. Tới thời Hậu Lê, dân làng mới rước tượng Phật vào đền và dựng thành chùa.

Chùa Bà Đanh - Kim Bảng, Hà Nam

Chùa Bà Đanh – Kim Bảng, Hà Nam

Chuyện kể về gốc tích ngôi chùa cũng rất ly kỳ. Theo huyền tích được người dân lưu truyền, xưa kia, ở vùng Đanh Xá, thiên tai lũ lụt, mất mùa triền miên. Một ngày kia có thần nhân báo mộng cho một già làng để xây dựng ngôi chùa thờ Ngài, Ngài sẽ ban ân lộc giúp dân trừ lũ lụt, đem lại mưa gió thuận hoà, mùa màng bội thu. Người dân nghe theo, khai phá và xây dựng ngôi chùa. Thần nhân đó là một vị thần nữ, nên gọi là chùa Bà, tên địa danh là làng Đanh, cho nên gọi tắt là chùa Bà Đanh – cái tên mang ba yếu tố gồm tiền Phật hậu Thánh và địa danh nơi ngôi chùa tọa lạc. Đây cũng chính là tên gọi Nôm của ngôi chùa và cũng là cái tên quen thuộc với người dân địa phương và du khách.

“Vắng như chùa Bà Đanh”

Không biết từ bao giờ câu cổ ngữ “vắng như chùa Bà Đanh” xuất hiện và lan truyền trong dân gian!? Còn trên thực tế, khi nghe tới câu nói này hầu như ai cũng gắn nó với ngôi chùa Bà Đanh ở đất Kim Bảng mà ít ai biết rằng, ở đất Việt có hai ngôi chùa mang tên chùa Bà Đanh: một ở Hà Nam, một ở Hà Nội.

Về sự vắng vẻ của chùa Bà Đanh ở Hà Nam, có nhiều lý giải cho điều này. Có người cho rằng ngôi chùa trở nên vắng vẻ như vậy vì nơi đây rất linh thiêng, ai trái ý sẽ bị trừng phạt ngay nên rất ít người dám đến. Cũng có ý kiến là do ngày xưa chùa nằm ở vị trí di chuyển khó khăn, xung quanh rừng rậm hoang vu, muốn đến phải đi đò sang nên ít ai lui tới.

chùa bà đanh

Vào những ngày thường trong tuần, chùa khá vắng vẻ,thỉnh thoảng lác đác du khách

Tuy nhiên, theo giáo sư Sử học Lê Văn Lan, căn cứ theo lịch sử hình thành và đặc điểm của cả hai ngôi chùa, thì chùa Bà Đanh ở Hà Nội mới là nơi khởi thuỷ của câu cổ ngữ “vắng như chùa Bà Đanh”.

Chùa Bà Đanh ở Hà Nội còn được biết đến với cái tên chùa Châu Lâm, một trong số ít những ngôi chùa ở Hà Nội còn giữ được nét đặc trưng của chùa làng thuở xưa. Ngôi chùa được xây dựng lần đầu năm 1497, nằm sâu trong ngõ nhỏ tại số 199 đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ. Đây là một ngôi chùa làng, ít người qua lại hơn so với các ngôi chùa khác.

Vào thế kỷ XV, sau cuộc viễn chinh phương Nam, vua Lê Thánh Tông đã đưa về đất đai Đại Việt rất nhiều người Chăm, và đặc biệt, cho họ cư trú thành một cộng đồng ở phía Tây Bắc kinh thành Thăng Long. Cộng đồng người Chăm được phép lập một ngôi chùa thờ các vị thần của họ. Ngôi chùa này được gọi là Châu Lâm Tự, hiệu là chùa Bà Đanh.

Ban đầu, ngôi chùa ở vị trí tương ứng đầu phố Thuỵ Khê ngày nay. Đầu thế kỷ XX, chùa bị di dời và sáp nhập với chùa Phúc Long ở ngõ 199 phố Thụy Khuê hiện nay. Khu đất vốn là chùa Bà Đanh xưa kia, nay chính là trường Trung học phổ thông Chu Văn An.

Châu Lâm Tự là nơi dành riêng cho người Chăm, những người phục vụ cho triều đình nên vốn dĩ đã rất vắng vẻ. Trong Tụng Tây Hồ phú của Nguyễn Huy Lượng sáng tác năm 1801 có câu: “Cảnh Bà Ðanh hoa khép cửa chùa”, câu thơ nói lên thực trạng ngôi chùa thời kỳ nhà thơ sống.

Khi triều đình phong kiến thay đổi, lâm vào bước suy thoái, một số người Chăm được trở về quê, số khác lấy vợ, lấy chồng người Việt chuyển đi nơi khác sinh sống khiến chùa Châu Lâm đã vắng lại càng thêm vắng, không ai tới để cùng với người Chăm thờ cúng hành lễ ở đó.

Nhưng cho dù thế nào đi nữa, chùa Bà Đanh (Hà Nam) ngày nay đã không còn vắng vẻ như xưa. Dù so với nhiều điểm du lịch khác ở Hà Nam, lượng du khách tới chùa vẫn khá khiêm tốn vào những ngày thường trong tuần, nhưng bù lại, ngôi chùa đã được rất nhiều người biết về sự tồn tại của nó.

Chùa Bà Đanh – cổ kính, thanh tịnh và trầm mặc

Theo đường Trần Hưng Đạo được thảm nhựa rộng thẳng tắp, mặt đường phẳng lì, bạn sẽ tới ngay khu vực ngoài chùa. Tấm bia đá có ghi “Di tích lịch sử văn hóa chùa Bà Đanh và núi Ngọc” là dấu hiệu cho thấy bạn đã tới chùa.

Bia đá báo hiệu bạn đã tới chùa

Bia đá báo hiệu bạn đã tới chùa

Khuôn viên phía ngoài đã được xây dựng khang trang như một khu vực quảng trường, có vườn hoa, có chỗ nghỉ chân. Ngay khu vực trước chùa, bạn cũng đã bắt gặp dòng sông Đáy hiền hòa. Khu vực này được xây dựng mới nhưng tách biệt và không làm ảnh hưởng cảnh quan tổng thể của khu vực trong chùa. Ở khu vực phía ngoài cũng không bị cảnh xô bồ hàng quán, mang đến cảm giác dễ chịu cho khách thập phương.

Khuôn viên phía ngoài chùa

Để vào chùa, bạn dừng ở khu vực gửi xe, mua vé gửi xe sau đó qua cổng và vào thăm chùa. Ngay khu vực này, bạn đã nhìn thấy ngôi chùa cổ kính thấp thoáng hiện ra sau những bóng cây.

Khu vực gửi xe. Ngay khu vực này bạn đã thấy ngôi chùa thấp thoángsau những hàng cây cổ thụ

Ngôi chùa có một địa thế độc đáo. Không chỉ có địa thế ba mặt giáp sông, một mặt giáp núi Ngọc, cùng diện tích lên tới 10ha. Chùa Bà Đanh còn có kiến trúc độc đáo, bao quanh chùa là khu vườn rộng lớn với những hàng cây rợp bóng. Một màu xanh phủ khắp không gian chùa mang đến bầu khí trong lành, mát mẻ xua tan những nỗi mệt mỏi trong hành trình di chuyển tới chùa. Đây là món quà đầu tiên mà chùa gửi tặng du khách xa gần của mình. Khu vườn này cũng tạo thành một lớp đệm xanh vừa giúp chùa cách biệt với khu dân cư lại giúp cảnh quan chùa đẹp mắt, trong lành hơn.

Khu vườn ngập tràn sắc xanh bao quanh chùa

hoa phù dung khoe sắc trong khuôn viên chùa

Và cả hoa phù dung khoe sắc trong khuôn viên chùa

Băng qua khu vườn rộng là tới cổng tam quan uy nghi, nhuốm màu thời gian mang đậm kiến trúc đình chùa Bắc Bộ. Cổng có ba gian, hai tầng, ở trên là gác chuông, ở dưới là hệ thống cửa gỗ hoa văn đơn giản. Thông thường, cổng tam quan chỉ mở khi có lễ hội, người dân xung quanh, ni sư và khách thập phương thường ngày sẽ vào chùa thông qua hai cổng phụ với mái ngói cong như hình bán nguyệt.

Cổng tam quan uy nghiêm

Cổng phụ vào chùa

Cổng phụ vào chùa

Mặt tiền ngôi chùa cổ có view rất đẹp, hướng ra phía Nam mạn sông Đáy thoáng đãng và yên bình. Bên cạnh chùa, nay đã có một số ít nhà dân ở xung quanh, nhưng không khí vẫn rất trầm lắng. Nếu bạn đi từ lối cầu treo Cấm Sơn để vào chùa, thì ngay khi vừa xuống cầu, có một lối đi dẫn vào khu dân cư nhỏ này. Con đường này cũng sẽ đưa bạn vào khu vực chùa.

Cầu treo Cấm Sơn nhìn từ cổng tam quan

Cầu treo Cấm Sơn nhìn từ cổng tam quan

Con đường nhỏ dẫn vào khu dân cư nhỏ bên cạnh chùa

Con đường nhỏ dẫn vào khu dân cư nhỏ bên cạnh chùa

Bước qua cổng phụ, không khí vốn dĩ đã thanh tịnh giờ còn thanh tịnh hơn, mọi thứ đều được chăm sóc cẩn thận, sạch sẽ, tươm tất. Vườn cây được chăm bón xanh mát, mang đến sự liên kết tổng thể cho toàn bộ không gian của chùa, từ khuôn viên tới khu vực nội vi.

Khung cảnh ngay khi bước vào cổng phụ

Mọi thứ đều rất trầm mặc, thanh tịnh

Ngày thường, ngôi chùa ít khách vãn cảnh, cúng bái nhờ thế không khí vốn trang nghiêm, yên tĩnh luôn là hình ảnh quen thuộc ở đây. Cũng bởi thế, mọi bước chân dường như nhẹ lại, mọi tiếng nói như khẽ lại từ bất kỳ ai khi đặt chân tới đây.

Sau nhiều lần xây dựng và trùng tu, chùa Bà Đanh hiện nay là quần thể kiến trúc liên hoàn được xây dựng từ thế kỷ 19 gồm 14 gian và các công trình phụ trợ với Tam quan, nhà Bái Đường, nhà Trung đường, nhà Thượng đường, nhà Tổ, Phủ mẫu, nhà khách… Trong đó có 5 gian nhà Bái Đường được lợp ngói nam, trên nóc có hai con rồng chầu mặt nguyệt. Các vì kèo và xà của khu nhà bái đường được chạm khắc ở hai mặt rất tinh xảo.

chùa Bà Đanh

Nhà Bái Đường

Bên trong Nhà Bái Đường

Cũng như bao ngôi chùa khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ là thờ Phật. chùa Bà Đanh còn có tượng của Đạo giáo như Nam Tào, Bắc Đẩu, Thái Thượng Lão Quân và các tượng của tín ngưỡng Tứ Phủ, Tứ Pháp (một tín ngưỡng thờ thiên nhiên rất gần gũi với đời sống nông nghiệp ở nước ta). Đặc biệt trong chùa có pho tượng Pháp Vũ cổ, quý và rất nổi tiếng.

Các bức tượng cổ đặt phía trong cổng tam quan

Mặt trong của cổng tam quan

Mặt trong của cổng tam quan

Chuông chùa

Chuông chùa

Lối kiến trúc chùa mang đậm phong cách đình chùa Bắc Bộ

Lối kiến trúc chùa mang đậm phong cách đình chùa Bắc Bộ

Trải qua hàng nghìn năm, pho tượng Pháp Vũ với sự linh thiêng và huyền bí, luôn được thờ trong cung cấm. Tuy nhiên, theo tục lễ, chỉ đến ngày lễ hội chùa và dịp đặc biệt mới mở cửa cho người dân được vào tận trong cung để thắp nhang, chiêm bái và cầu khấn.

Lễ hội chùa Bà Đanh, diễn ra vào tháng 2 âm lịch để tri ân thần Pháp Vũ và cảm tạ ân đức các vị thần phật đã phù trợ, cầu mong một năm bình an, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Cùng với các nghi lễ trang nghiêm như rước nước, rước kiệu Đức Bà… các trò chơi trong hội cũng được nhân dân và nhiều du khách tham gia: chọi gà, kéo co, đua thuyền, cờ tướng, diễn các tích chèo cổ, hát các làn điệu dân ca. Lễ hội chùa Bà Đanh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 01 năm 2019.

Nếu không có dịp đi vào đúng dịp lễ hội, sau khi hành lễ ở chùa, bạn có thể tham quan núi Ngọc nằm trong khuôn viên chùa. Núi Ngọc không khó để leo với nhiều khối đá và cây cối muôn hình muôn vẻ. Leo lên núi để tìm cho mình những giây phút tĩnh lặng, tách mình khỏi cuộc sống ồn ào cũng là cách để bạn chữa lành và nạp lại năng lượng cho mình.

Núi Ngọc soi bóng bên dòng sông Đáy

Đền thờ cạnh Núi Ngọc

Đền thờ cạnh Núi Ngọc

Với kiến trúc cổ kính, phong cảnh nên thơ như một bức tranh sơn thuỷ hữu tình cùng sự linh thiêng của chốn danh sơn cổ tự, chùa Bà Đanh nay không còn vắng vẻ như xưa và được nhiều người lựa chọn như là nơi để tìm về chốn thanh tịnh, tạm quên đi những lo toan của cuộc sống thường nhật.