Mỗi lần bắt đầu một chuyến đi, có lẽ nhiều người sẽ tự hỏi rằng: mình muốn khám phá điều gì ở một vùng đất? Mình sẽ có những trải nghiệm mới nào? Mình cũng vậy, mình nghĩ, một vùng đất không bao giờ là cũ bởi trải nghiệm mỗi lần đều sẽ thật đặc biệt, khác nhau. Lần này, mình bắt đầu chuyến đi mới đến Vĩnh Long, không để đi đến vườn trái cây trĩu quả đặc trưng, mà là để khám phá một địa điểm cổ thật đẹp – “Vương quốc đỏ” làng gạch Mang Thít.
Nhìn từ trên cao, lò gạch gốm này trải dài dọc theo hai bờ kênh chính (Thầy Cai, Hòa Mỹ khép lại tới kênh Nhơn Phú, Hòa Tịnh) tạo thành một cảnh quan đẹp mắt.
Những điều độc đáo ở làng gạch Mang Thít
Làng gạch cổ Mang Thít cách trung tâm thành phố Vĩnh Long 20km về hướng Nam. Trải dài hơn 30km bắt đầu từ thành phố Vĩnh Long đến địa phận của hai huyện Long Hồ và huyện Mang Thít. Làng gạch gốm Mang Thít – Vĩnh Long được xem là một “di sản đương đại” khi là hiện thân của sự giao thoa văn hóa – kỹ nghệ giữa người Khmer, người Kinh và người Hoa.Địa điểm này là nơi cho ra đời những mẻ gạch đỏ và được vận chuyển đi khắp cả nước. Làng nghề gạch gốm Mang Thít trước đây được ví như “vương quốc đỏ” hay "vương quốc lò gạch", làng nghề gạch gốm này nằm một dãy bên dòng kênh lớn Cổ Chiên và kênh Thầy Cai. Nơi đây rất gần với nguồn nguyên liệu đất sét nên nghề làm gạch gốm rất phát triển.
Ở thời kỳ hoàng kim khoảng vài chục năm trước, lò gạch Mang Thít luôn tấp nập công nhân đi làm, người đến mua, người vận chuyển nguyên liệu…. đông đúc xông xao. Do những lý do thời cuộc (Một mẻ gạch mất từ 2 – 3 tuần để ra thành phẩm, đốt bằng củi, trấu, giá nguyên liệu cao, ko cạnh tranh nổi với cách làm hiện đại nên hiện giờ làng nghề phát triển hơn 100 năm bị mai một khá nhiều, chỉ còn 1/10 lò gạch Mang Thít đang hoạt động cầm chừng, nhiều nghệ nhân đã bỏ nghề hoặc chuyển nghề. Theo thông tin số liệu từ website của tỉnh Vĩnh Long, hiện tại toàn huyện còn 61 cơ sở lò gạch gốm với 64 miệng lò còn hoạt động.
Vùng đất trù phú nhìn từ trên cao, không ai nghĩ rằng chỉ còn 1/10 lò gạch gốm còn hoạt động. Những lò gạch cao ngút được xây san sát nhau, nhìn từ xa hay từ trên cao trông giống như một “vương quốc” với hàng trăm tòa lâu đài nhỏ.
Trải nghiệm đạp xe khám phá làng gạch Mang Thít
Chuyến đi đạp xe về lò gạch Mang Thít trong ngày sẽ đưa mọi người xuyên qua những giá trị lịch sử đang dần bị mai một của một vùng đất miền Tây. Đây cũng được xem như một “di sản lộ thiên” tuyệt đẹp ở vùng đất Vĩnh Long.
Đạp xe dọc theo vùng “ký ức di sản” lò gạch Mang Thít tại Vĩnh Long là một trải nghiệm thú vị khi bạn có thể vừa đạp xe chầm chậm vừa nhìn ngắm những lò gạch đỏ cũ kỹ nhuốm màu thời gian đang dần hiện ra như một khối di sản kiến trúc cùng nghề truyền thống đặc sắc.
Đạp xe dọc theo vùng “ký ức di sản” tại Vĩnh Long.
Con đường đạp xe khá vắng vẻ dễ chịu, rất thích hợp để đi chậm và ngắm nhìn những lò gạch ở ven đường.
Đoàn dừng chân nghỉ ngơi trước khi bắt đầu tham quan bên trong lò gạch Mang Thít.
Làng gạch có kiến trúc trúc vô cùng đẹp mắt với những lò nung khổng lồ được xây bằng gạch đỏ. Điều thú vị hơn là còn được nghe kể về quy trình để làm ra một viên gạch đỏ. Thông thường, Một lò gạch Mang Thít sẽ được xây cao tầm 12m. Trong quy trình làm gạch, người thợ cần khoảng 5 ngày để tải và dỡ gạch, 15 ngày để nung và bảy ngày chờ gạch nguội. Gạch được nung bằng trấu với quy trình kiểm tra, canh lửa rất kỹ lưỡng, để bảo đảm gạch “chín” vừa đúng. Sau khoảng một tháng rưỡi nung trong lò, thành phẩm thu được sẽ từ khoảng 120 nghìn viên gạch có màu đỏ son đúng chuẩn.
Chúng mình cũng được tận mắt nhìn thấy những viên gạch màu đỏ son mới ra lò.
Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên hơn nữa chính là kiến trúc bên trong những “lâu đài đỏ” này. Những mái vòm cao vút, ngước nhìn lên cảm tưởng như mình đang đứng ở hè một cái ngỏ thật nhỏ mà ngóng vọng lên. Mỗi một lò gạch Mang Thít ở đây sẽ được xây dựng bằng hàng nghìn viên gạch thẻ đều tăm tắp, được sắp xếp khéo léo theo kiến trúc hình tròn. Trung bình để xây dựng một lò gạch thì cần đến 10 người thợ xây trong nửa tháng, nguyên liệu cần sử dụng đến hơn 30.000 viên gạch thẻ. Cửa vào bên trong lò gạch thường được xây thành hình bầu dục. Vật liệu trát bên tròng thành lò (phần màu xám) không phải là xi măng trộn với cát mà nguyên liệu chính là đất mùn trộn cát với nước cho thật nhão.
Kiến trúc độc đáo bên trong những “lâu đài đỏ” lò gạch Mang Thít.
Kiến trúc phần nóc mái vòm của lò gạch gốm được thiết kế bằng những đường tròn nhỏ dần ở đỉnh, tạo cảm giác huyền bí như trong đang lạc trong một tháp cổ.
Lịch trình gợi ý
Vì đi theo tour nên bạn có thể liên hệ với Thuận (SĐT: 033.306.804) để liên hệ đặt chỗ trước cho các chuyến đạp xe ở Vĩnh Long. Lịch trình cho chuyến đạp xe cũng khá nhẹ nhàng để có thể vừa rèn luyện thể lực vừa đảm bảo bạn sẽ có nhiều thời gian để ngắm cảnh, trải nghiệm làng nghề truyền thống. Quãng đường đạp xe khoảng 40 – 50km nên cũng cần có thể lực tốt. Thông thường, một chuyến đạp xe sẽ bắt đầu từ 5h00 và kết thúc lúc 19h00 (với chi phí khoảng 950.000 VND) theo timeline dưới đây:
– 5h00: Tập trung tại The Bike Café (Q.3)
– 8h30: Di chuyển bằng xe 16 chỗ đến Vĩnh Long và ăn sáng ở lò gạch Mang Thít
– Đạp khám phá lò gạch cổ
– 11h30: nghỉ ngơi
– 14h00: Đạp về lại địa điểm hạ xe ban đầu.
– 15h00: Di chuyển về Vĩnh Long, ăn uống, nghỉ ngơi
– 15h30: Ăn bữa chính,
– 16h00 – 19h00: lên xe về Sài Gòn, chia tay
Mặc dù số lượng lò gạch Mang Thít đang hoạt động đã dần ít đi nhưng đây vẫn là một địa điểm khám phá khá thú vị và thu hút. Đạp xe cũng là một hoạt động thể thao ngoài trời thú vị. Bạn nghĩ sao về một chuyến du hí bằng xe đạp và khám phá văn hóa làng nghề truyền thống?