Nhịp sống Sài Gòn ồn ào giữa ngã tư và xôm tụ trong khu chợ Bà Chiểu như những nốt nhạc rộn ràng những ngày cuối năm, lại có một nốt trầm lặng lẽ nằm ngay bên cạnh, đó chính là lăng mộ Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832), hay người dân còn thân thương gọi là . Chỉ cần đi lướt qua khu lăng, không ai có thể cưỡng lại một cái nhìn vào nơi đây để chiêm ngưỡng kiến trúc cổ kính độc đáo, không gian yên tĩnh dưới những bóng cây, gợi lên một cảm giác thảnh thơi và yên bình đến lạ.
Kiến trúc cổ độc đáo thu hút người nhìn của khu Lăng Ông Bà Chiểu.
Đôi nét về lăng Tả quân Lê Văn Duyệt – Lăng Ông Bà Chiểu
Trước tiên cùng tìm hiểu vài nét sơ qua về chủ nhân khu lăng mộ này: Tả quân Lê Văn Duyệt phục vụ 2 triều vua Gia Long và Minh Mạng, ông là một người có công lao và uy quyền lớn trong triều đình, tính tình thẳng thắn bộc trực, không chỉ là một nhà chỉ huy quân sự, ông còn là một nhà chính trị, nhà ngoại giao đại tài với cách đối nội đối ngoại khéo léo, hiệu quả. Vào thời ông làm tổng trấn Gia Định Thành, đời sống nhân dân rất an vui và đầy đủ, người phương Tây giao thương ở đây cũng vô cùng suôn sẻ, ông nhận được sự yêu mến của nhân dân, bấy giờ thường kính trọng gọi ông là “Ông Lớn Thượng”.
Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt có tên chính xác là “Thượng Công Miếu”, thường được gọi là Lăng Ông Bà Chiểu (có ý nghĩa là Lăng Ông ở chợ Bà Chiểu) do có vị trí sát chợ Bà Chiểu. Lăng được xây dựng vào năm 1948, tại đây thờ Tả quân Lê Văn Duyệt và chính thất phu nhân của ông- bà Đỗ Thị Phẫn. Bao quanh không gian nghiêm trang tĩnh lặng của khu lăng mộ là bức tường cao 1,2m với tổng diện tích lăng khoảng 18.500m2, có 4 cổng hướng ra 4 con đường là Trịnh Hoài Đức, Vũ Tùng, Lê Văn Duyệt, Phan Đăng Lưu.
Một góc trang nghiêm tại khu lăng mộ.
Kiến trúc Lăng Ông Bà Chiểu
Cổng Tam Quan vào Lăng Tả quân
Cổng Tam Quan vào lăng Ông Bà Chiểu tọa lạc ở đường Vũ Tùng, trên cổng có khắc dòng chữ Hán, dịch ra là “Thượng Công Miếu”, với lối kiến trúc trang hoàng tinh tế, đây thường được lựa chọn làm nơi bấm nút ghi lại những dấu ấn của khách tham quan. Rất nhiều du khách nữ lựa chọn chiếc áo dài trang nhã hòa mình trong không khí cổ kính, làm tôn lên nét đẹp dịu dàng của người con gái và sự trang nghiêm của một công trình cổ tồn tại, lưu giữ đến nay đã gần trăm năm.
Du khách xúng xính trong những chiếc áo dài thướt tha chụp hình với cổng Tam Quan trước thềm Tết Nguyên Đán 2024.
Bước qua cổng Tam Quan là đến lăng Tả quân, khu lăng mộ chia làm 3 phần chính: Nhà bia, lăng mộ và miếu thờ. Nhà bia là khu vực đặt bia đá, ghi chép và ca ngợi công lao của tướng Lê Văn Duyệt đối với triều đình, đất nước và nhân dân. Khu lăng mộ gồm 2 ngôi mộ đặt song song của Tả quân và phu nhân của ông- bà Đỗ Thị Phẫn. Đây là khu vực linh thiêng nên mình không chụp ảnh, nếu có cơ hội hãy đến tham quan và chiêm bái nhé.
Thượng Công Linh Miếu – Kiến trúc trái tim của Lăng Tả Quân
Thượng Công Linh Miếu là nơi thờ tự và tiếp đón người dân hương hỏa, cúng bái. Kiến trúc của miếu thờ này vô cùng độc đáo, nổi bật giữa khuôn viên khu lăng mộ với màu đỏ rực rỡ và mái ngói cong, hơn cả là những hình tượng được chạm khắc tỉ mỉ trên từng khối gỗ và nghệ thuật khảm sành sứ tinh xảo. Đây cũng là nơi được du khách chụp hình nhiều nhất, vì đứng ở đâu cũng sẽ có một góc ảnh đẹp.
Thượng Công Linh Miếu với màu đỏ rực rỡ nổi bật giữa khu lăng mộ.
Một góc trang nghiêm nhìn về phía Thượng Công Linh Miếu.
Mỗi góc máy đều đẹp đến rung động.
Phải thật sự chạm vào những bức phù điêu nơi đây mới có thể cảm nhận được sự kỳ diệu từ đôi bàn tay của người nghệ nhân đã tạo nên những tác phẩm này, sự gắn kết hoàn hảo giữa những mảnh vỡ vốn không thuộc về nhau, ấy vậy mà khi đứng cạnh nhau lại sinh động lạ thường. Các điển tích cổ như Cá chép hóa Rồng, Long Mã, Chim Công, Đại Bàng.. hiện diện dường như khắp nơi, mang một màu sắc rực rỡ mà xưa cũ như dấu ấn thời gian của chính công trình này.
Nghệ thuật khảm sành trên mái nhà lăng Ông Bà Chiểu.
Một bức phù điêu hình tượng Long Mã vô cùng tinh xảo.
Thượng Công Linh Miếu được chia thành 3 điện: Tiền điện, Trung điện và Chính điện. Mỗi điện được phân chia rõ ràng cách nhau bởi một khoảng sân có giếng trời, hay còn gọi là sân thiên tĩnh, 2 bên là dãy Đông lang và Tây lang.
Một khoảng sân thiên tĩnh phân chia 2 điện.
Lối kiến trúc kép 2 mái mang lại vẻ đẹp hoài cổ tinh tế, mỗi một góc máy mình đưa lên ngắm nhìn đều cho bản thân cảm giác như dòng thời gian chảy ngược về thời Nguyễn- Nơi những con rồng uốn lượn và đắm mình trong khối kiến trúc rực rỡ.
Những vòm mái mang phong cách đặc trưng “trùng thiềm điệp ốc”.
Một góc hành lang giữa Tây lang và Tiền điện.
Từ sân thiên tĩnh nhìn về phía Tây Lang.
Xin xăm tại Lăng Ông Bà Chiểu
Ngoài tham quan, lễ bái và chụp ảnh, bạn cũng có thể đến khu vực Tây điện, Trung điện hoặc khu nhà Hương để xin những lá xăm về sức khỏe, bệnh tật, xin xăm Tả quân là hình thức xin xăm phổ biến ở nước ta. Lăng Ông Bà Chiểu mở cửa từ sáng đến chập tối, khoảng 17h00 chiều sẽ không cho du khách vào tham quan nữa.
Bảng “Nơi nhận xăm” tại khu vực Tây lang
Nên đến Lăng Ông Bà Chiểu vào thời gian nào?
Hàng năm vào ngày 29 – 30/7, ngày mùng 1 – 2/8 âm lịch, Lăng Ông Bà Chiểu sẽ tổ chức lễ giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt vô cùng long trọng, đây là một dịp đặc biệt thu hút khách tham quan từ rất nhiều nơi đổ về để tham dự và cầu bình an cho gia đình. Vào các dịp lễ Tết, Lăng Ông Bà Chiểu cũng thu hút nhiều bạn trẻ đến trải nghiệm lịch sử và chụp hình với những kiến trúc cổ xưa cùng chiếc áo dài truyền thống, nâng cao giá trị lịch sử của nơi đây và khuyến khích giới trẻ tìm hiểu về văn hóa địa phương.
Một góc mái với những chiếc đèn dầu treo cũ kỹ
đã trải qua gần trăm năm bề dày lịch sử, cổ kính nép mình trong một Sài Gòn hoa lệ, đây không chỉ là khu di tích lịch sử văn hóa mà còn là nơi chốn tâm linh, cầu bình an sức khỏe cho du khách tứ phương. Giá trị của công trình không những nằm ở phần kiến trúc hoa lệ, những bức chạm khắc khảm sành tinh xảo, mà còn ở tinh thần gìn giữ lịch sử, ý thức biết ơn đối với công lao của các vị quan và tinh thần khám phá văn hóa địa phương. Nếu có dịp đến với thành phố xa hoa này, hãy nhớ ghé thăm công trình kỳ diệu này nhé.