9x gợi ý những góc chụp ‘đẹp như mơ’ ở Huế

34

9x gợi ý những góc chụp ‘đẹp như mơ’ khi đến du lịch Huế

Phạm Quốc Cường nổi tiếng trong cộng đồng mê du lịch, phượt với biệt danh Cường Khỉ, thu hút hàng chục nghìn lượt theo dõi trên Instagram, Facebook. Anh sinh năm 1991, quê Phú Yên, hiện làm thiết kế đồ họa ở Nha Trang. Trên trang cá nhân, Cường thường chia sẻ nhiều góc ảnh đẹp, gợi ý mọi người cách chi tiêu hợp lý, điểm chụp lý tưởng và món ăn ngon ở mỗi nơi anh đi qua. Loạt ảnh Cường và bạn chụp tại Huế được nhiều người khen sáng tạo, bắt góc đẹp, chỉnh màu tốt, “như chụp tạp chí” và làm bật nổi vẻ đẹp cổ kính nhưng không kém phần thi vị ở đất cố đô. Đại Nội – nơi lưu trữ giá trị lịch sử kinh thành triều Nguyễn – là nơi đầu tiên anh ghé thăm khi đến du lịch Huế. Chàng trai 9x ghi lại nhiều khoảnh khắc đẹp tại cổng Ngọ Môn, lầu Ngũ Phụng, Kỳ Đài, Phu Văn Lâu, quần thể kiến trúc Phủ Nội Vụ, hành lang đỏ được sơn son thếp vàng cho đến con đường “Phượng bay” Đoàn Thị Điểm…

Hình ảnh được xử lý theo tông trầm hoài cổ của Cường nhận “mưa” lời khen từ người xem. Anh viết: “Cầu Trung Đạo bắc qua hồ Thái Dịch và sâu bên trong là điện Thái Hòa – nơi chứng kiến thời khắc đăng quang của 13 đời vua Nguyễn”. Trước khi đi du lịch bất cứ nơi nào, anh cho biết tham khảo thông tin nhiều nhất trên Instagram bởi đối tượng người dùng đa dạng, không chỉ đông đảo giới trẻ Việt có tư duy hình ảnh tốt mà còn có góc nhìn lạ về khung cảnh Việt được bạn bè quốc tế ghi lại. “Điều này thôi thúc tôi phải đến đó bằng được. Có thể nói đây là cảm hứng du lịch của tôi”, anh cho biết.

Ngoài ra, để hoàn chỉnh kế hoạch du lịch, khám phá văn hóa cảnh sắc, anh còn tham khảo từ nhiều nguồn như báo chính thống, Facebook, các diễn đàn du lịch… rồi tự đọc và đúc kết hành trình cho mình. Theo anh, công việc này đòi hỏi nhiều thời gian, kỹ lưỡng vì nó quyết định hình ảnh và hiệu quả chuyến đi. “Bạn không cần phải loay hoay với câu hỏi ‘đi đâu, làm gì’, mà dành nhiều thời gian trải nghiệm, nhất là sở thích chụp ảnh, chia sẻ khung cảnh đẹp đến mọi người”, anh lý giải. Trong mắt Cường, Cửa Hiển Nhơn (hay Miếu môn) – cổng vào khu vực các miếu thờ – là cổng “xịn”, ấn tượng nhất. Cửa Hiển Nhơn tọa lạc ở phía Đông của Hoàng Thành, trên đường “Phượng bay” Đoàn Thị Điểm, được xây dựng vào năm 1805, dưới thời vua Gia Long. Năm 1833, vua Minh Mạng cho đắp ghép thêm các mảnh sành, phía trước có cặp nghê đá. Chỉ quan lại và nam giới hoàng tộc mới được ra vào Hoàng Thành qua cổng này.

Rời Kinh thành Huế khoảng 4 km về phía Tây, Quốc Cường đến với chùa Thiên Mụ – một trong những địa điểm tôn giáo lâu đời và hút du khách khi đến du lịch Huế. Chùa Thiên Mụ nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, khởi lập năm Tân Sửu (1601). Nổi bật nhất là tháp Phước Duyên với chiều cao 21 m, gồm 7 tầng, mỗi tầng tháp đều thờ tượng Phật. Hiện chùa lưu giữ những cổ vật vua chúa Nguyễn để lại như: tượng Phật bằng đồng, Hoành phi sơn son thiếp vàng, cổ xe của bồ tát Thích Quảng Đức…

Quốc Cường ấn tượng với chùa Huyền Không vì lối kiến trúc giao hòa giữa vẻ cổ kính đất cố đô và nét đẹp của văn hóa Phật giáo Nhật Bản, Ấn Độ. Chùa Huyền Không tọa lạc tại thôn Nham Biền, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, cách chùa Thiên Mụ gần 3 km về hướng tây. Nơi đây còn được người dân bản xứ gọi là Huyền Không 1 hay Huyền Không Sơn Trung để phân biệt với chùa Huyền Không 2 (Huyền Không Sơn Thượng).

Thuộc thế hệ 9x, Quốc Cường lại dành phần lớn thời gian khám phá chùa vì trót mê những góc ảnh đẹp tình cờ thấy tên Instagram. Anh chia sẻ loạt ảnh đẹp khi ghé chùa Thiền Lâm – nơi được mệnh danh là “xứ chùa Vàng thu nhỏ giữa lòng Huế” hay “Thái Lan trên đất cố đô”. Chùa Thiền Lâm thuộc hệ phái Nam Tông, thành lập năm 1960, còn gọi là chùa Phật đứng – Phật nằm, tọa lạc trên đồi Quảng Tế, xã Thủy Xuân, TP Huế.

“Nằm cách trung tâm thành phố Huế 10 km về phía tây nam, lăng Khải Định là công trình kiến trúc cuối cùng của triều Nguyễn và cũng là công trình nổi bật nhất trong tất cả những lăng tẩm ở Huế”, Quốc Cường viết trên trang cá nhân.

Chàng trai 9x ghi lại nhiều góc đẹp ở lăng Khải Định, xử lý gam màu hoài cổ, trầm mặc để phù hợp khung cảnh cố đô. Lăng Khải Định nằm ở triền núi Châu Chữ thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy là nơi an nghỉ của vua Khải Định (1885 -1925). Công trình được khởi công xây dựng vào năm 1920, vật liệu xây dựng chủ yếu được chuyển từ Pháp, 11 năm sau mới hoàn thành với kiến trúc như ngày nay.

Cường mê mẩn vẻ tĩnh lặng, khung cảnh đẹp như tranh ở lăng vua Minh Mạng – còn gọi là Hiếu Lăng, nằm trên núi Cẩm Khê, gần ngã ba Bằng Lãng, cách trung tâm thành phố Huế 12 km. Lăng Minh Mạng được xây dựng từ năm 1840, hoàn thành năm 1843, tạo điểm nhấn với kiến trúc cân bằng, đối xứng. Xung quanh một trục kiến trúc là đường thần đạo, xuyên qua loạt công trình gồm: cửa chính, sân chầu, nhà bia, sân tế, Hiển Đức môn, điện Sùng Ân, hồ Trừng Minh, Minh Lâu, hồ Tân Nguyệt (trăng non), cổng tam quan Quang Minh Chính Trực, Trung Đạo kiều và cuối cùng là bửu thành.

Làng hương Thủy Xuân được nhiều du khách tìm đến khi tham quan Huế. Cũng như nhiều bạn trẻ khác, Quốc Cường thích thú ghi lại khoảnh khắc chụp cùng những bó hương bắt mắt. Anh chia sẻ kinh nghiệm: “Ở đây hầu như nhà nào cũng bày sạp hương nhiều màu sắc trước sân nhà. Nếu ghé chụp ảnh, bạn nên xin phép gia chủ một tiếng. Theo người dân địa phương truyền lại, đến làng hương thì không được úp mũ, nón xuống mà phải để ngửa lên. Điều này được kiêng cử nên các bạn lưu ý một chút không làm phật lòng người ta”.

Cường gợi ý tín đồ du lịch nên ghé công viên hồ Thủy Tiên – cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7 km. Nơi đây có nhiều góc chụp ảnh đẹp như: hành lang dẫn vào đầu rồng (trái), xe hơi cũ bên rừng thông (giữa), hàng ghế bạc màu ở sân khấu nhạc nước (phải) và đường ống trượt nước…

Chàng trai thiết kế đồ họa leo lên tầng cao chui vào miệng rồng chụp ảnh. Bao quanh khu công viên nước là rừng cây trải dài tận chân trời. Khu vui chơi, giải trí hồ Thủy Tiên tọa lạc ở xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy. Năm 2001, Công ty du lịch Cố đô Huế đầu tư 70 tỷ xây dựng nơi đây thành điểm vui chơi, kích cầu du lịch. Năm 2004, công viên đi vào hoạt động nhưng được 3 năm thì bỏ hoang. Dù chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế nghiêm cấm tham quan, nhiều du khách trong và ngoài nước vẫn băng rừng thông vào xem bởi tò mò vẻ ma mị. Nhiều người khen nơi đây đẹp bí ẩn, như “pha trộn truyện cổ tích với phim kinh dị”. Hồ Thủy Tiên càng nổi tiếng hơn trong mắt những người thích xê dịch khi xuất hiện trên tờ Dailymail, Lonelyplanet…

Điểm đến cuối cùng của Quốc Cường là trường THPT Quốc Học Huế – tọa lạc bên dòng sông Hương thơ mộng, được xây dựng dưới thời vua Thành Thái (1896), với diện tích 4.237 m2. Đây là trường Pháp – Việt của toàn xứ Đông Dương và trường trung học đệ nhất đầu tiên ở Huế. Nhiều thế hệ học trò tài giỏi như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố Tổng bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập… từng theo học tại đây. Qua 124 năm, nhiều dãy phòng học vẫn mang đậm kiến trúc đặc trưng Pháp với màu sắc, các hoa văn, họa tiết trang trí, cửa chính cũng như những ô cửa phụ.

Theo Thi Quân/Ngôi sao

Khoảnh khắc bình yên bên bờ Bắc sông Hương

Bánh xèo cá kình làng Chuồn

Bánh ép lạ miệng của Huế