>> Nhâm nhi ẩm thực quanh hồ Tây, Hà Nội
>> Hà Nội lãng đãng 12 mùa hoa
1. Làng lụa Vạn Phúc
Làng lụa Hà Đông hay Làng lụa Vạn Phúc (nay thuộc phường Vạn Phúc, thuộc quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10 km) là một làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng có từ ngàn năm trước.
Lụa Vạn Phúc thường không có mẫu mã quá sặc sỡ, không giống bất kỳ một loại lụa nào được dệt ở các làng khác, bởi chất liệu mềm mại và độ tinh xảo trong từng đường tơ, từng họa tiết trang trí. Còn nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về nghề dệt lụa cổ truyền của làng nghề này, hãy đi vào sâu bên trong làng để được tận mắt chứng kiến những thước lụa được làm ra như thế nào.
Mách bạn:
– Lụa Vạn Phúc giờ khá nhiều hàng bị “trộn lẫn”. Nếu muốn mua hàng chính hiệu, bạn nên chọn những loại khăn, áo họa tiết đơn giản, hơi cổ 1 chút. Đừng chọn các loại khăn len vì chắc chắn nó không phải là lụa Vạn Phúc.
– Bạn nên mặc cả, giá có thể giảm từ 20%-30% tùy tài của bạn. Tuy nhiên, một số cửa hiệu lớn trong làng đã niêm yết giá nên bạn khó lòng được giảm. Hãy chịu khó đi vào các cửa hàng trong ngõ, ngách phía sâu làng, ở đó hàng vừa rẻ và chất lượng cũng tốt.
Đường đi: Hiện tại, bạn có thể đi đường Lê Văn Lương kéo dài, rất sạch sẽ và nhanh để tới làng Vạn Phúc. Từ đường Khuất Duy Tiến mới hay mọi người gọi quen là đường Vành Đai 3, chiều từ Nguyễn Trãi ra, bạn rẽ trái theo biển chỉ dẫn sẽ vào đường Lê Văn Lương kéo dài. Đi khoảng 10 phút tới ngã tư giao với đường 70 và khu đô thị mới Vạn Phúc, rẽ trái tiếp khoảng 1 km là sẽ tới làng.
2. Thành Cổ Loa và đền thờ An Dương Vương
Từ trung tâm thành phố, đi 18km đến xã Cổ Loa thuộc huyện Ðông Anh, Hà Nội, bạn sẽ tìm thấy vết tích còn lại của ba vòng thành xưa bằng đất và nơi các nhà khảo cổ tìm được hàng vạn mũi tên đồng, lưỡi cày, rìu sắt, xương thú vật… Đến đây bạn có thể cùng bạn bè mình chạy xe để thưởng thức nắng gió ngoại thành, thăm thú những cánh đồng lúa trải dài bất tận, hay những con đường nhỏ vắng người qua lại tranh thủ hít lấy những luồng khí trời trong trẻo.
Đến Cổ Loa, có một nơi mà du khách không thể bỏ qua, đó là am Bà Chúa, tức miếu thờ công chúa Mỵ Châu. Chiếc am u tịch, như muốn gợi về câu chuyện tình ngang trái cách đây hàng ngàn năm, nhỏ bé như cuộc đời ngắn ngủi của nàng công chúa “trái tim lầm chỗ để lên đầu”. Nếu đến đây vào dịp đầu năm, bạn sẽ có cơ hội tham gia lễ hội Thành Cổ Loa diễn ra từ ngày 6 đến 16 tháng giêng âm lịch (chính hội là mồng 6) để tưởng nhớ Thục Phán An Dương Vương, người đã có công xây thành Cổ Loa và trị vì Âu Lạc.
Đường đi: Từ trung tâm thành phố, đi 18km đến xã Cổ Loa thuộc huyện Ðông Anh, nằm trên quốc lộ Hà Nội đi Phúc Yên. Nếu đi xe bus thì bắt xe 46 tại BX Mỹ Đình, xuống cuối bến và đi xe ôm hoặc… đi bộ thêm 2km nữa để vào khu di tích 😀
3. Làng gốm Bát Tràng
Men theo con đường đê sông Hồng gần 10km, tới ngôi làng cổ Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, nơi nổi tiếng với các mặt hàng gốm sứ. Đến đầu làng Bát Tràng những bình hoa, chậu cảnh, tượng gốm bày la liệt, dải dài khắp làng. Làng gốm Bát Tràng đã tồn tại khoảng hơn 500 năm nay. Gồm Bát Tràng từ lâu nổi tiếng với nước men bóng đẹp, từng được thương lái châu Âu thu mua với số lượng lớn.
Bật mí thêm, đây là chợ gốm duy nhất mà bạn có thể thoải mái xem hàng hoặc tìm hiểu về sản phẩm theo ý thích vì ở đây người ta không đặt tiêu chí lợi nhuận lên đầu. Không chỉ tự do xem hàng, bạn còn được chủ hàng giới thiệu các công đoạn sản xuất của các mẫu hàng, cách vẽ hoa văn, phối màu men mà những người thợ thủ công đã dày công nghiên cứu, tha hồ thoả chí tò mò, học hỏi.
Ngoài ra, trong chuyến tham quan Bát Tràng, bạn có thể thử tài chơi gốm để tạo nên sản phẩm cho chính mình. Giá dịch vụ là 15 – 30K một lần tô vẽ, nặn tượng không lấy sản phẩm về. Nếu bạn muốn lấy “kiệt tác” mình tự tay làm ra về nhà, mức giá trung bình sẽ từ 40 – 60K tùy sản phẩm lấy ngay hoặc nung đốt.
Đường đi: Từ Hà Nội, có thể theo đường thuỷ từ bến Chương Dương hoặc bến Phà Đen, xuôi sông Hồng đến bến Bát Tràng, cũng có thể theo đường bộ qua cầu Chương Dương (hay cầu Long Biên) rồi theo đê sông Hồng đến dốc Giang Cao rẽ xuống Bát Tràng (khoảng 15 km) hoặc theo quốc lộ số 5 đến Trâu Quỳ rẽ về phía tay phải theo đường liên huyện qua xã Đa Tốn đến Bát Tràng (khoảng hơn 20 km). Nếu đi qua cầu Chương Dương rồi theo dọc đê sông Hồng, thì bạn đi mất gần 1 tiếng là đã tới Bát Tràng.
Nếu đi xe bus, bạn bắt xe ra Điểm trung chuyển Long Biên rồi lên xe bus 47, tới cuối bến luôn nhé! Làng Bát Tràng chỉ cách bến cuối cùng khoảng 200m thôi, đi bộ vào tiện thể luyện chân luôn.
4. Làng cổ Đường Lâm
Tạm rời xa phố thị ồn ào, náo nhiệt, dọc theo quốc lộ 32 về Sơn Tây, bạn sẽ đến với một ngôi làng cổ của người Việt – nơi còn lưu giữ lại những nét văn hóa truyền thống của nhân dân ta từ bao đời nay. Làng cổ Đường Lâm cách trung tâm Hà Nội khoảng hơn 50 km, thuộc địa phần thị xã Sơn Tây, cạnh quốc lộ 32. Đây là địa danh hiếm hoi còn giữ được nguyên vẹn cấu trúc và nếp sinh hoạt của một làng Việt cổ từ hơn 300 trăm năm nay. Đường Lâm có những di tích lịch sử văn hóa rất giá trị, với Đình Phùng Hưng và Đền Ngô Quyền, đền thờ thám hoa Giang Văn Minh… Đặc biệt, tại nhiều ngôi nhà cổ còn phục vụ cả bữa cơm làng quê truyền thống, bạn có thể đặt cơm và nghỉ trưa tại đó.
Mách nhỏ bạn nè, đến Đường Lâm, bạn đừng bỏ qua cảnh chùa Mía (tên chữ là Sùng Nghiêm tự). Ở đây có tòa bảo tháp Cửu Phẩm Liên Hoa nổi tiếng, hay viếng đền thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng; lăng Ngô Quyền. Đặc biệt bạn đừng quên tìm thưởng thức những đặc sản dân dã, ngon miệng như bánh giò Phù Nhi ở thị trấn Phùng, bánh tẻ, bánh đúc ở chợ Mía, bún chấm lá tương…
Đường đi: Nếu bạn đi xe máy hoặc ô tô, sẽ đi theo đường Láng Hòa Lạc đến ngã tư với đường 21 Xuân Mai – Sơn Tây ( rẽ phải), đi tiếp 12km theo đường này đến chỗ đèn xanh đèn đỏ tại ngã Tư ở thị xã Sơn Tây. Qua bên kia ngã tư đi tiếp 5km có một ngã ba ở cột cờ thì theo lối đi thẳng. Sau đó sẽ thấy biển ghi làng cổ Đường Lâm, cách chỗ rẽ nói trên 2-3km. Ngoài ra bạn cũng có thể đi xe bus từ trung tâm HN lên đến Sơn Tây rồi tiếp tục đi xe taxi vào đến cổng làng. Vé vào cổng: 20-25K/người nhé!