7 quán ăn ngon có tiếng nhưng đến mua phải nhớ kĩ câu “không vội được đâu” ở Sài Gòn

77

7 quán ăn ngon ở Sài Gòn nhưng đến mua phải nhớ kĩ câu “không vội được đâu”

1. “Bắp chờ”, Nguyễn Kim

Bắp nướng mỡ hành là món ăn xế quen thuộc của người Sài Gòn. Món ăn dân dã, nhiều nơi bán nên việc mua một bắp thì dễ như ăn kẹo. Điều đó đúng với hầu hết mọi hàng bắp nướng, trừ quán bắp nướng mỡ hành trên đường Nguyễn Kim, bởi ở đây, bạn sẽ phải đợi 30 phút đến cả tiếng đồng hồ mới mua được bắp.

Sở dĩ phải chờ lâu như vậy là bởi ở quán này, khi khách đến ăn, chủ quán mới bắt đầu nướng bắp và làm mỡ hành tại chỗ để món ăn được dẻo và giữ nguyên hương vị. Thêm nữa bắp phải nướng 2 lượt, lượt đầu nướng cả vỏ cho nóng đều, rồi mới tách vỏ ra nướng để chín đều bên trong bắp. Chính bởi thế nên khách phải chờ lâu. Để đảm bảo công bằng cho khách đến trước, chủ quán sẽ tiến hành phát phiếu.

Tuy lâu như vậy, quán lại không nhận đặt trước, nếu muốn nhiều mỡ hành phải mua thêm nhưng đa phần thực khách đều tỏ ý hài lòng trước trái bắp mềm dẻo, mỡ hành thơm, béo đặc trưng. Thêm nữa thái độ của chủ quán khá vui vẻ, mềm mỏng nên đa phần khách không cảm thấy bực bội vì phải chờ lâu. Giá: một phần bắp là 14.000 đồng, thêm mỡ hành 16.000 đồng.

2. Bánh mì Huỳnh Hoa

Nói đến những quán ăn ngon ở Sài Gòn, không thể không nhắc đến bánh mì Huỳnh Hoa. Nơi đây được biết đến như tiệm bánh mì đắt nhất Sài Gòn và thời gian chờ đợi để mua bánh cũng thuộc dạng “có số, có má” trong danh sách các tiệm ăn phải chờ lâu. Nhưng dĩ nhiên, phải có lý do thì bánh dù đắt vẫn có người xếp hàng đợi mua. Lý do ở đây không cầu kỳ gì mà nằm chính ở chất lượng bánh mà thôi.

Bánh mì ở đây giá 35.000 đồng/ ổ nhưng khi ăn bạn thấy giá đó xứng đáng vô cùng. Chiếc bánh nặng trịch với 5, 6 lớp nhân, đầy ắp các loại chả, pate, thịt đỏ, giò lụa, bơ, ruốc… Bơ, pate luôn tươi vì làm ngày nào bán hết ngày đó không để qua ngày hôm sau. Chiếc bánh to như vậy nên người ăn yếu có khi chỉ ăn nửa ổ là đã no căng và tính ra như thế thì đâu có đắt.

Bánh mì Huỳnh Hoa bán từ khoảng 2 giờ chiều. Để ăn được chiếc bánh mì, thường bạn sẽ phải xếp hàng, đặc biệt vào giờ tan tầm. Tuy nhiên nếu may mắn, có thể bạn sẽ chẳng cần chờ đợi vẫn mua được ổ bánh ngon.

3. Bánh tráng trộn chú Viên

Đường Nguyễn Thượng Hiền, quận 3 được mệnh danh là “đường bánh tráng trộn”, trong đó có tiếng nhất là bánh tráng trộn chú Viên. Muốn ăn bánh tráng ở tiệm này, bạn phải chịu khó đợi và có đôi lúc phải lấy số, xếp hàng, phần bởi quán ít người, phần vì có khách mới làm.

Tuy nhiên thời gian gần đây, quán chú Viên đã thuê thêm người làm và đóng bịch sẵn số lượng lớn nên khách không phải bốc số, chờ đợi lâu như trước, nhưng vào giờ cao điểm lúc tan tầm, có lẽ bạn vẫn sẽ phải chờ ít nhiều để tới lượt, bởi lượng khách ghé đến cùng lúc khác đông.

Phần bánh tráng trộn ở đây tương đối đầy đặn với nhiều loại nhân như mỡ hành, ruốc rang (tôm nhỏ), ớt sate, xoài chua, khô bò đen, khô mực, trứng cút (luộc và chiên), đậu phộng, muối tôm, rau răm… Đặc biệt phần nước sốt cay cay, chua chua, ngọt ngọt được xem là linh hồn, giúp món ăn thêm ngon, thêm trọn vẹn. Giá một bịch bánh ở đây là 20.000 đồng.

4. Bánh đúc Phan Đăng Lưu

Nói tới ăn bánh đúc ngon ở Sài Gòn, không ai là không biết đến hàng bánh ở Phan Đăng Lưu (Phú Nhuận). Tại đây chuyện ngồi chờ 20, 30 phút chỉ để ăn một bát bánh đúc là hết sức bình thường. Thậm chí, nếu hối thúc quá, khách còn bị chủ hàng “nổi quạu”. Vậy đấy, mà quán ăn này chưa bao giờ ngơi khách.

Bánh đúc dọn ra trong tô nóng hổi. Bột bánh mềm ngọt khó tả ăn kèm với nước mắm, nước thịt, thịt băm và thật nhiều hành phi nên ăn thìa bánh mềm mượt mới thấy không phí công sức ngồi chờ. Nhiều khách không có thời gian đợi nên đặt trước bánh rồi chạy đi công việc tí sau quay về lấy. Nhưng, quả thật rằng, bánh đúc phải ngồi tại nơi, ăn nóng mới ngon. Thế là đã xác định đi ăn bánh đúc ở đây, người cũng chỉ còn cách chờ mà thôi!

5. Quán vịt trong hẻm Lê Văn Sỹ

Nằm khá sâu trong một con hẻm trên đường Lê Văn Sỹ có một quán vịt rất đông khách. Cứ đúng 15h quán bún vịt này mở cửa thì chỉ vài phút sau là hết bàn. Khách quen đã tỏ tường “phong cách” của quán thường đến sớm 15 phút, thậm chí nửa tiếng xếp hàng chờ ngoài ngõ để có… chỗ ngồi.

Khá nhiều người phải đứng chờ bên ngoài khi quán hết bàn.

Thực ra không gian quán không chật. Nơi bán vừa có chỗ trong nhà lại ngoài sân và lan ra hẻm nhưng khách vẫn cứ phải chờ vì đông quá. Thực đơn của quán vô cùng đơn giản. Vịt chỉ có luộc chấm với mắm gừng kèm theo bún măng vịt. Khách muốn đổi vị thì có thêm gỏi vịt hoặc bộ đồ lòng luộc. Chỉ đơn giản vậy nhưng lại rất đông khách ăn. Theo họ, vị ngon nằm ở khâu chế biến, luộc thịt vịt và món bún măng được nấu theo công thức riêng.

Thực đơn chính là thịt vịt luộc và bún măng vịt.

Thịt vịt ở đây là những con vừa, ít mỡ, lớp da mỏng, chế biến khéo nên thịt thơm, mềm chứ không có mùi hay dai.

Ngoài ra còn có gỏi ăn kèm. Gỏi vịt cũng làm đơn giản bằng rau bắp cải, ăn hơi nhạt nhưng nếu chấm kèm thịt vịt với mắm vừng thì sẽ rất vừa miệng. Một dĩa gỏi vịt có giá 90.000 đồng, bún vịt 30.000 đồng/tô, nếu ăn bún không vịt thì 10.000 đồng/ tô. Lòng ở quán chỉ bán nguyên bộ, với giá 50.000 đồng/bộ. Vì số lượng vịt có hạn nên khách phải đến cực sớm mới có thể ăn được lòng vịt luộc.

6. Xe chè ba màu “chảnh”

Xe chè này có hơn mấy chục năm nay. Nhìn bên ngoài chỉ là xe chè vỉa hè, không có gì nổi bật nhưng lại là quán chè yêu thích của nhiều người. Xe chè thường được gọi với cái tên “chè chảnh”.

“Chảnh” là vì khách đông là thế song người bán tay múc chè, tuyệt nhiên không nhanh không chậm, không nói, không cười, khách lại phải tự ra lấy chè thay vì được bưng tận bàn. Với chủ quán, thúc hối hay lớn tiếng đều không có tác dụng. Dần dần, khách cũng quen với cách bán ấy. Riêng khách lạ, gương mặt luôn đăm chiêu của ông, khiến người ta không muốn hỏi thăm hay nói đều gì. Dù vậy, quán luôn đông người ăn.

Các món của xe chè đơn giản, gồm chè đậu xanh, đậu đen, thập cẩm và và sương sa hạt lựu. Menu không có món đặc trưng nhưng ai ăn chè của ông đều nhận thấy một hương vị rất riêng. Những hạt đậu bùi mềm tan trên đầu lưỡi hay vị ngọt thanh, phảng phất mùi dầu chuối. Xe chè bán từ 13h hằng ngày, với giá mỗi ly chỉ 10.000 đồng.

7. Trà sữa Phượng Hoàng

Đến mua trà sữa ở quán này, người ta đã quá quen với việc phải xếp hàng chờ đợi với quy định mỗi người chỉ được mua 2 ly, muốn mua thêm phải xếp hàng lại, chừa lượt cho người khác. Lý do bởi chủ quán không muốn để ai phải chờ đợi quá lâu.

Quán có rất nhiều loại trà sữa, các loại đều được nấu sẵn và cất trong thùng sắt. Những món thạch, hạt thủy tinh cũng có nhiều hương vị để chọn lựa. Trà ngon mà giá lại mềm, chưa tới 15.000 đồng/ly, bởi thế mà vào những ngày Sài Gòn nắng nóng, quán của anh lại càng chật kín người đến mua, xe đậu dọc sang cả con đường Hòa Hảo bên cạnh.

Theo Afamily