5 tỉnh thành thắng lớn lễ 2/9, Thanh Hóa bị soán ngôi "quán quân" doanh thu

28
Lễ 2/9 TPHCM vượt Thanh Hóa (từ đợt lễ 30/4-1/5) trở thành tỉnh thành có doanh thu du lịch lớn nhất cả nước với 2.940 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kỳ nghỉ lễ 2/9 kéo dài 4 ngày (từ 31/8 đến sáng 3/9) được coi là cao điểm cuối cùng trong mùa du lịch hè 2024. Do thời tiết cơ bản thuận lợi ở cả 3 miền nên các chỉ tiêu phục vụ khách và tổng thu từ khách du lịch tại các tỉnh/thành phố đều tăng khá so với cùng kỳ năm trước. 

Trong đó, 5 địa phương có doanh thu từ du lịch lớn nhất cả nước lần lượt là: TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Quảng Ninh. 

Trong đợt nghỉ lễ 2/9, TPHCM vươn lên vị trí dẫn đầu cả nước về doanh thu du lịch. Thành phố ước đón 980.000 lượt khách tham quan trong 4 ngày nghỉ lễ, tổng thu du lịch ước đạt 2.940 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Ghi nhận của phóng viên Dân trí tại Quốc lộ 1A (đoạn qua địa phận huyện Bình Chánh, TPHCM), hàng nghìn phương tiện nối đuôi nhau di chuyển (Ảnh: Nam Anh).

Ở vị trí thứ 2, Hà Nội đón gần 673.000 lượt khách tham quan, tăng 5% so với nghỉ lễ năm ngoái. Tổng thu ước đạt 2.180 tỷ đồng, tăng 8%. Theo Sở Du lịch Hà Nội, năm nay phần lớn người dân chọn nghỉ dưỡng tại các khu, điểm xung quanh ngoại thành, khiến xu hướng này tăng đột biến.

Một trong những điểm thu hút lớn nhất của TPHCM và Hà Nội là giao thông vận tải. Việc đi lại giữa các tỉnh từ hai thành phố này tương đối thuận lợi với các tuyến đường cao tốc, hai sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sân Nhất. 

Du khách ở xa muốn đi các tỉnh miền Nam, miền Tây hoặc các tỉnh đồng bằng, miền núi phía Bắc thường phải qua hai thành phố này, họ sẽ kết hợp các chuyến tham quan hoặc khám phá ẩm thực trong nội đô Hà Nội và TPHCM.

Bên cạnh đó, việc tung ra nhiều sản phẩm mới, phát triển kinh tế đêm hay các tour đường bộ, tour liên tỉnh cũng giúp hai thành phố lớn thu hút đông đảo du khách, thắng đậm về doanh thu.

Người dân đổ về Quảng trường Ba Đình xem lễ thượng cờ ngày 1/9 (Ảnh: Hữu Nghị).

Đà Nẵng cũng là điểm đến có các con số ấn tượng trong lễ 2/9, vươn lên vị trí thứ 3 trên cả nước với tổng doanh thu du lịch đạt 1.200 tỷ đồng, tăng gần 34% và đón gần 308.000 lượt khách ghé thăm, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Dịp Quốc khánh, tại Đà Nẵng trời nắng đẹp, thuận lợi cho người dân và du khách tham quan, tắm biển, trải nghiệm các dịch vụ, tham gia các hoạt động, sự kiện của thành phố. 

Trong đợt nghỉ lễ 30/4-1/5, Thanh Hóa bứt phá ấn tượng khi bất ngờ vượt nhiều thành phố du lịch dẫn đầu doanh thu trên cả nước. Tại đợt nghỉ lễ này, Thanh Hóa xếp vị trí thứ 4 với tổng thu từ du lịch khoảng 870,5 tỷ đồng, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2023. 

Theo thông tin từ Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Thanh Hóa, trong 4 ngày nghỉ lễ 2/9, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đón 395.700 lượt khách, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước. 

Chiều 1/9, hàng nghìn du khách đổ về bãi biển thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa tắm biển, nghỉ mát.

Công suất sử dụng phòng lưu trú đạt 35%-37%, riêng khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông công suất sử dụng phòng đạt 100%. 

Để thu hút khách trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đa dạng hoạt động vui chơi, giải trí cũng như đảm bảo các điều kiện đón khách an toàn, hấp dẫn.

Ngày 4/9, Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong 4 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh 2/9, tỉnh này đã đón 455.000 lượt khách, tổng thu từ du lịch ước đạt 1.033 tỷ đồng.

Cũng theo Sở Du lịch tỉnh, tổng số khách lưu trú đạt 174.200 lượt, đạt 116% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 là 150.700 lượt), chiếm 37% tổng khách đến Quảng Ninh. 

Ngoài ra, nằm ngoài top 5 tỉnh thành có doanh thu du lịch lớn nhất cả nước, nhưng trong đợt lễ 2/9, Bình Thuận có sự tăng trưởng ấn tượng về lượng khách, tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2023. 

Theo báo cáo của Sở Du lịch Bình Thuận, tổng lượng khách du lịch đến tỉnh tham quan, lưu trú trong dịp lễ 2/9 khoảng 385.000 lượt khách. Trong đó khách quốc tế khoảng 9.700 lượt, doanh thu khoảng 510 tỷ đồng.

Đánh giá của Cục Du lịch cho thấy, các địa phương trên cả nước đã chuẩn bị trước nghỉ lễ với nhiều hoạt động kích cầu du lịch, giảm giá, khuyến mại và phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới bên cạnh sản phẩm truyền thống. 

Do thời tiết cơ bản thuận lợi ở cả 3 miền nên các chỉ tiêu phục vụ khách và tổng thu từ khách du lịch tại các tỉnh/thành phố đều tăng khá so với cùng kỳ năm trước (Ảnh: Phương Nhi).

Việc di chuyển của du khách cũng được đáp ứng phần nào dù nhu cầu đi lại lớn. Các hãng hàng không trong nước dù giá vé cao nhưng đã tăng thêm các chuyến bay đêm nhằm tăng tải cung ứng.

Ngành đường sắt tăng thêm nhiều chuyến tàu từ Hà Nội đi Đồng Hới, Vinh, Thanh Hóa, Lào Cai, TP HCM và từ TPHCM đi Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Quy Nhơn cũng như giảm giá vé dành cho hành khách.

Các bến cảng đường thủy nội địa cũng tăng thêm các chuyến tàu ra đảo Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quý, Phú Quốc.

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay (31/8-3/9), ước tính ngành du lịch cả nước đã phục vụ khoảng 3 triệu lượt khách du lịch, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. 

Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 56%, tăng 1,85% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023, riêng 2 ngày 1-2/9 công suất đạt trên 60%.