13 món đặc sản Thái Nguyên độc đáo, cuốn hút du khách

43

1. Bánh chưng Bờ Đậu

Bánh chưng Bờ Đậu

Bánh chưng Bờ Đậu là đặc sản Thái Nguyên nổi tiếng trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây. Món bánh với sự tinh xảo không cần khuôn mà vẫn vuông vắn. Bí quyết để làm nên hương vị “danh bất hư truyền” cho bánh chưng Bờ Đậu là sự kết hợp của loại gạo nếp dẻo thơm từ vùng Định Hóa và thịt lợn sạch của người dân tộc. Ngoài bánh chưng truyền thống, người dân còn sáng tạo ra nhiều loại khác như bánh chưng gấc, bánh chưng cẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bánh chưng nhân đỗ xanh và thịt heo ba chỉ

2. Chè Tân Cương

Là vùng đất “đệ nhất danh trà” nên Thái Nguyên cũng như Tân Cương đều nổi tiếng về đặc sản chè. Lá chè được thu hoạch từ những vườn chè xanh mướt ở Tân Cương. Sau đó qua quá trình chế biến tỉ mỉ để giữ trọn hương thơm tự nhiên. Khi pha, chè Tân Cương tỏa ra hương thơm nồng nàn, vị đậm đà, nước màu vàng tươi. Khi uống sẽ cảm nhận được vị chát rất ngon, mang đến trải nghiệm đầy thư giãn cho người thưởng thức.

Người dân xã Tân Cương thu hái chè

Ảnh minh họa: Chè Tân Cương

3. Chè lam

Chè lam trước kia thường chỉ được người Tày ở Thái Nguyên làm vào dịp Tết Nguyên đán. Nhưng ngày nay, do nhu cầu của thực khách, chè lam được làm quanh năm. Làm bánh chè lam không quá cầu kỳ nhưng để ra được miếng bánh thơm ngon, chuẩn vị thì những nguyên liệu để làm nên món bánh phải lựa chọn, chuẩn bị cẩn thận và kỹ càng. Trong đó, món chè lam của người dân bản làng Thái Hải (Thái Nguyên) được làm từ các nguyên liệu như gạo nếp, lạc rang, gừng và đường phên. Và có công thức riêng tạo nên hương vị đặc trưng.

Chè lam Thái Nguyên

4. Bánh coóc mò

Coóc mò trong tiếng Tày, dịch là “sừng bò”, một món ăn truyền thống của người Tày ở Thái Nguyên. Bánh được gói bằng lá dong hoặc lá chuối. Được làm từ gạo nếp giã chung với lạc. Gạo nếp được vo nhiều lần với nước lã cho đến khi nước trong rồi mới ngâm khoảng vài giờ cho mềm. Gói các nguyên liệu tạo nên hình dáng giống chiếc sừng bò. Bánh không có nhân nhiều nhưng vẫn có được hương vị bùi của lạc và gạo nếp. Bánh coóc mò có thể ăn không hoặc chấm cùng mật mía, mật ong.

Những gói bánh coóc mò

5. Nem chua Đại Từ

Nem chua Đại Từ là đặc sản Thái Nguyên nổi tiếng mà bạn nhất định phải thử. Nguyên liệu chính để làm nem chua này bao gồm thịt lợn, tỏi, hạt tiêu, thính, lá ổi và rượu. Điểm đặc biệt của món nem chua này là việc sử dụng thịt nạc mông, giúp tạo nên vị ngon đặc trưng và độ giòn đặc biệt. Nem được gói bằng lá chuối đẹp mắt và đồng thời giữ cho nem có độ tươi, thơm ngon. Có dịp ghé thăm bất cứ khu chợ nào tại vùng đất Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, du khách sẽ bắt gặp những sạp hàng bày bán nem chua. Bạn có thể mua về làm quà cho người thân hay bạn bè.

Nem chua Đại Từ

6. Bánh ngải

Bánh ngải là món ăn tạo nên nét đặc sắc cho ẩm thực Thái Nguyên. Bánh được làm từ nếp hương, sử dụng lá ngải trong quá trình giã nhuyễn bột bánh. Tạo nên hương vị đặc biệt và màu sắc đẹp mắt. Bánh ngải được chia làm 2 loại, loại có nhân và loại không nhân. Nhân bánh ngải thường được làm từ đỗ xanh hay lạc. Cũng có nơi, nhân bánh được làm từ hạt vừng rang giã nhỏ trộn lẫn đường phên.

Bánh ngải

Bánh ngải có nhân

7. Bánh trứng kiến

Bánh trứng kiến là món ăn độc đáo của người dân tộc Tày tại Định Hóa. Trở thành đặc sản Thái Nguyên nổi tiếng. Từ tháng 4 đến tháng 5 hàng năm, bà con dân tộc Tày lại vào rừng kiếm trứng kiến đen – nguyên liệu quan trọng để làm bánh trứng kiến. Món ăn có độ dẻo, thơm của bột nếp, vị bùi bùi từ lá vả và béo ngậy của trứng kiến rừng. Tạo nên trải nghiệm ẩm thực độc đáo.

Bánh trứng kiến Thái Nguyên

8. Tương nếp Úc Kỳ

Tương nếp Úc Kỳ là đặc sản nổi tiếng của xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Sản phẩm được chế biến công phu, với kinh nghiệm lâu năm từ nhiều thế hệ người dân nơi đây. Tương nếp sử dụng những nguyên liệu phổ biến như gạo nếp, đỗ tương và muối trắng. Điểm đặc biệt của tương nếp Úc Kỳ chính là sử dụng giống gạo nếp thầu dầu – một giống cây chỉ được trồng tại 2 xã Úc Kỳ và Xuân Phương. Tạo nên hương vị đặc trưng cho món ăn.

Tương thành phẩm có độ mềm mại, nhuyễn mịn và màu sắc óng ánh màu vàng. Món tương này dùng làm gia vị chấm nhiều món ăn hoặc dùng để chế biến các món kho, hấp đều hấp dẫn.

Tương nếp Úc Kỳ

9. Cơm lam Định Hóa

Cơm lam Định Hóa là nét đặc trưng của vùng núi rừng Thái Nguyên. Được làm từ gạo nếp ngon được cho vào ống tre non và nướng trên lửa hồng. Khi chín, cơm lam có hương thơm của nếp và tre nứa hoà quyện. Cơm lam thường được ăn kèm với muối vừng hoặc gà nướng. Nhiều du khách có dịp ghé đến Định Hóa đều muốn mua món cơm dân dã này về làm quà.

Cơm lam Định Hóa

10. Trám đen Hà Châu

Trám đen Hà Châu đặc sản quý báu của vùng đất Phú Bình, Thái Nguyên. Cây trám là loại cây thân mộc có thể sống trên một trăm năm. Ra hoa vào tháng 2, quả chín vào tháng 7. Nhờ khí hậu và thổ nhưỡng hoàn hảo tại vùng đất này đã làm cho trám ở đây trở nên đặc biệt. Mang lại hương vị ngọt bùi không phải nơi nào cũng có được.

Để chế biến trám, người ta thường bắt đầu bằng việc om cho mềm, sau đó tách rời phần cùi và hạt. Trong đó, cùi trám thường được chấm muối vừng hoặc tương nếp. Trám còn được sử dụng trong nhiều món ngon như xôi trám, kho thịt cá, gỏi trám.

Trám đen. Ảnh: Vnexpress

11. Đậu phụ Bình Long

Đậu phụ Bình Long

Đậu phụ Bình Long là món ăn quen thuộc của người dân xóm An Long, xã Bình Long, tỉnh Thái Nguyên. Và nơi đây cũng nổi tiếng với nghề làm đậu phụ thơm ngon truyền thống. Đậu Bình Long được tạo nên từ sự kết hợp hoàn hảo giữa tỉ lệ nước chua và đậu nành. Những hạt đậu được trồng tại Bình Long tròn đều và có hạt ngọt nước.

Khi chế biến, đậu được ép trong khuôn lớn nên bìa đậu to bản, có hình vuông, không quá cứng và cũng không quá mềm. Điểm đặc biệt của đậu phụ Bình Long là không được cắt nhỏ, mà chỉ cắt thành những bìa đậu to. Đậu có vị béo ngậy nên có thể ăn ngay khi còn nóng, chấm mắm tôm chanh mang đến hương vị khó quên.

12. Mì gạo Hùng Sơn

Người dân Hùng Sơn làm mì bằng một loại gạo đặc biệt, đó là gạo bao thai Định Hóa. Gạo phải được nhặt sạch, vo kỹ, ngâm 8 tiếng rồi xay ra thành bột. Bột lọc nhiều lần, ủ lại qua đêm. Sau đó tráng thành bánh, phơi khô rồi cắt thành sợi. Sợi mì gạo Hùng Sơn có độ dẻo, thơm nên dù có nấu quá tay vẫn không sợ bị nát.

Mì gạo Hùng Sơn

13. Tôm cuốn Thùa Lâm

Tôm cuốn Thùa Lâm

Tôm cuốn Thùa Lâm là đặc sản mà du khách không thể bỏ qua khi du lịch Thái Nguyên. Một món ăn nổi tiếng của người dân làng Thù Lâm. Hương vị dân dã và độc đáo đã chiếm trọn trái tim của bao thực khách gần xa. Tôm cuốn gồm những nguyên liệu đơn giản như tôm, trứng, giò heo nạc, thịt mỡ, rau… Trong đó, phần tôm được chiên vàng ruộm. Đặc biệt, món tôm cuốn này không gói với bánh tráng mà chỉ dùng hành gói tất cả nguyên liệu. Khi ăn, chấm với chút mắm ớt chua cay đậm đà.

Theo iVIVU.com

Xem thêm bài viết:

Đặc sản “bò leo núi” độc đáo ở Tân Châu, An Giang

Những điểm đến đẹp ở vùng ‘đệ nhất danh trà’ Thái Nguyên

Bánh coóc mò – Món bánh truyền thống thơm ngon của đồng bào Tày